Video hay hay không hay? Giáo dục hay không giáo dục?

Từ hôm đi học ASOD, mọi người cứ hỏi mình học cái gì, học để làm gì, mình cũng không biết phải trả lời thế nào nhưng hôm nay thì mình nghĩ là tất cả những ai làm giáo dục, làm việc với trẻ nên đi học. Mỗi ngày đi học từ sáng đến chiều đầu như muốn ong lên, xới tung lộn nhào mọi điều từng biết. Mình từng tự hào là mình cũng đọc nhiều sách, chịu khó tìm tòi, tư duy không đến nỗi nhưng giờ mới thấy mình nông cạn. Trò chuyện với chị bạn, chị bảo “Ơ thế hoá ra những gì mình từng dạy bọn trẻ là sai à?”. Đi học để mình nhìn thấy vấn đề ở nhiều góc cạnh hơn, sâu hơn và bằng lăng kính rộng hơn. Từ buổi đầu mình đã muốn mỗi buổi đi học về sẽ note lại vài điều nhưng thực sự là quá nhiều kiến thức còn không kịp xử lý. Hôm nay mình chia sẻ một đoạn trong buổi học mà mình cực kì tâm đắc để mọi người hiểu thêm nha.

Buổi học hôm ấy của chúng mình là về “QUYỀN LỰC” và phân tích quyền lực trong video bên dưới. Mình đã từng xem video và đọc cuốn sách “Willy đi đâu thế?” này trước đây, không hề thấy có vấn đề gì cả, thậm chí thường xuyên khen ngợi nó. Bây giờ các bạn thử xem video trước nhé, sau đó đọc những gì mình viết dưới đây, xem các bạn có nhận ra các vấn đề sau không nha.

1.Bất bình đẳng nam nữ trong video: Tinh trùng thì được nhân hoá thành người, có cảm xúc, có tên, có hoạt động trong khi Trứng thì chỉ là một phần thưởng. Việc “vật hoá” người khác là một các để hạ thấp người đó xuống, nâng vị trí của mình lên, khiến cho mình có tư cách hơn, có quyền lực hơn, khiến việc người kia phải tuân theo, phải phục tùng, phải hạ mình là điều đương nhiên. Trong chiến tranh, để những người lính có thể trở nên “dũng cảm” hơn, giết nhiều địch hơn, người ta đã cố tình miêu tả đối thủ là những vật, những con vật. Giết người thì cảm thấy tội lỗi, nhưng giết những đồ vật, con vật thì sẽ đỡ hơn. Việc vật hoá người khác là một sự hạ phẩm giá và có hậu quả cực kì kinh khủng.

Thụ tinh là quá trình cần sự kết hợp và hoạt động tích cực của cả trứng và tinh trùng, sự tham gia của trứng không chỉ là chờ tinh trùng đến rồi kết hợp nhưng trong video này, trứng – đại diện cho phụ nữ thụ động, chờ đợi, không làm gì cả.

Chú tinh trùng Willy có tên, bạn chú cũng có tên, chú Braun có tên nhưng người mẹ trong clip chỉ được gọi là “vợ chú Braun”. Việc tước đi tên thật, gọi người phụ nữ chỉ như danh xưng là vợ của ai đó đồng nghĩa với việc phủ nhận rất nhiều phần khác nhau của cô ấy, cô ấy chỉ có một giá trị duy nhất, là vợ của ai đó. Không có danh xưng vợ của ai đó, cô ấy trở nên vô giá trị. Trong khi phụ nữ không chỉ là vợ của ai đó, cô ấy còn là chính cô ấy.

2. Trong video khi Willy và sau này là Edna không bơi học Toán giỏi, các bạn đã cười trêu. Lúc xem thì chúng ta sẽ cười vui thôi nhưng từ trêu đến nhạo là một bước rất ngắn và trong thang đo về bắt nạt, cười nhạo là mức thấp nhất. Sau khi cười nhạo ai đó, ta dễ dàng bắt nạt và hạ phẩm giá của họ hơn.

3. Cuộc thi bơi chỉ có 1 giải thưởng duy nhất, chỉ có người chiến thắng là người bơi nhanh nhất, vì thế Willy khó chịu, hằn học với bạn của mình, gần như muốn phủi sạch tình bạn.

4. Willy không giỏi Toán nên Edna cũng thế, điều này đã chỉ chú trọng về di truyền của người cha, hoàn toàn bỏ qua người mẹ. Chưa kể trong việc trưởng thành của một đứa trẻ, di truyền và nuôi dưỡng vẫn còn là câu chuyện mà chưa có kết luận cuối cùng nhưng chắc chắn, di truyền, nhất là khi chỉ từ người cha, không bao giờ là yếu tố duy nhất quyết định.

Lúc xem video ấy ngày hôm qua, dưới lăng kính quyền lực, mình thực sự đã bị sốc vì những thứ mình chưa từng nhận ra nhưng lại nhiều như thế, phức tạp và sâu sắc đến thế, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như thế nào. Khi liên tục xem và nhận những thông tin ngầm như thế này, trẻ sẽ vô thức hình thành một hệ giá trị, một lăng kính mà những thứ ngầm đó truyền đạt: là phụ nữ thì thụ động và vô giá trị nếu không gắn với đàn ông, là có thể cười nhạo bạn khi sai, là di truyền thì không thể thay đổi…. Bởi vì nó là những thông điệp ngầm, là vô thức nên sẽ hình thành những diễn ngôn, suy nghĩ vô thức trong đầu trẻ, khiến một cô bé gái khi ghi danh vào một trường kỹ thuật sẽ cảm thấy có gì đó sai sai, khiến một học sinh cảm thấy chẳng có vấn đề gì khi cười nhạo bạn cả. Mà sức mạnh của vô thức thì lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta viết ra, đập vào mắt, đơn giản vì nó ngầm ở trong đầu trẻ, ăn sâu bén rễ lâu dài qua quá trình lớn lên, nó vô hình, khó nhận ra và khó thay đổi.

Những video/ lời nói/ hành động… phản giáo dục khác rất dễ nhận ra nhưng những thứ phản giáo dục như thế này lại rất khó nhận ra, chúng ta vẫn cho con trẻ xem và tự hào rằng đây là một video giáo dục giới tính vui nhộn, hiệu quả.

Và cuối cùng, quyền lực trong video này là của ai? Của những người sản xuất video, của những người viết sách và làm các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến trẻ, của bố mẹ, của giáo viên. Người sản xuất video cực kì quyền lực, họ có quyền có quyền chọn cái gì để nói, chọn nói như thế nào, chọn dùng từ thế nào, và những thứ nhỏ thế thôi nhưng nói như cô giáo là “chỉ một cái nhíu mày thôi cũng đủ phá huỷ một đứa trẻ”. Chúng ta là những người chung sống và hàng ngày làm việc với trẻ, những “ẩn ý” đằng sau những gì chúng ta nói, cách chúng ta dùng từ, sẽ đều vô thức trở thành hệ giá trị của trẻ, lăng kính nhìn thế giới và bản thân của chúng. Đôi khi chúng ta không cố tình nhưng vì chúng ta có những quan điểm sai, chúng ta ngầm truyền đi quan điểm đó qua những câu chuyện khác.

Quyền lực có ở mọi nơi, và chúng ta có nhiều quyền lực với trẻ hơn chúng ta tưởng. Hiểu điều đó để thận trọng hơn khi chúng ta sử dụng quyền của mình, để biết dừng lại, lùi lạ, để chính mình nhìn sâu, nhìn rộng, nghĩ kĩ về tất cả mọi thứ xung quanh, tư duy đa dạng và phản biện về mọi điều chúng ta ghi nhận, những giá trị chúng ta coi trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi các giá trị đang va chạm lẫn nhau liên tục. Hiểu điều đó để tạo cơ hội cho trẻ có quyền nhiều hơn, để đứa trẻ biết rằng chúng cũng có quyền, chúng có thể sử dụng quyền đó để bảo vệ, phát triển bản thân, giúp đỡ và không lấn át người khác.

Bài viết liên quan

Định kiến giới ở trẻ

“Con trai mà nhát cáy, khóc cái gì!” “Con gái mà nghịch hơn con trai.” “Thôi mình con trai mình nhường con gái!” “Con trai

Về Tổ Líu Lo

Tổ Líu Lo là kênh thông tin về sách và đọc sách cho trẻ.

Những review và chia sẻ của chúng mình hi vọng sẽ hữu ích để bố mẹ có thể tìm thấy những cuốn sách phù hợp nhất, gợi ý  đọc sách hiệu quả và vui vẻ nhất để nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho bé.

Theo dõi Tổ

Nhận những bài viết mới nhất của Tổ gửi qua email hàng tuần

Chia sẻ bài viết này

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest