Tác hại không ngờ của sách tranh thiếu nhi

 

Hôm qua mình nghe một bài Ted Talk của tác giả cuốn sách “Nửa mặt trời vàng” mà mình mới đọc gần đây, Chimamanda – một cô gái người Nigeria. Cô ấy mở đầu bài nói bằng cách chia sẻ mình bắt đầu đọc sách từ lúc khoảng 2 hoặc 4 tuổi, là sách thiếu nhi của Anh và Mỹ. Cô bắt đầu sáng tác từ năm 7 tuổi. Các nhân vật của cô là người da trắng, tóc xanh trong khi cô da màu, chưa từng rời khỏi Nigeria. Các nhân vật của cô ăn táo, uống bia gừng trong khi cô ăn xoài, chưa từng nhìn hay nếm thử bia gừng bao giờ trong cuộc đời.

Dấu ấn của những câu chuyện mà chúng ta đọc len lỏi rất sâu trong suy nghĩ của chúng ta, đôi khi chúng ta không hề nhận ra, nhất là khi đó là những câu chuyện đọc được lúc còn bé, trong quá trình bắt đầu hình thành nhận thức về thế giới. Chimamanda lúc ấy không hề sáng tác những câu chuyện về nhân vật da màu, ăn xoài như cô và bạn bè, người thân, bối cảnh như nơi cô đang sống, đơn giản vì cô chưa từng thấy chúng trong sách mình đọc, cô nghĩ rằng không thể có nhân vật và bối cảnh như mình và đất nước mình trong sách.

Nội dung của bài nói chuyện của Chimamanda là “Sự nguy hiểm của những câu chuyện phiến diện” nói đến việc chúng ta thường chỉ nghe một câu chuyện duy nhất về một vùng đất/ một vấn đề khiến chúng ta có cái nhìn phiến diện, có một nhận định duy nhất về thứ đó trong khi tất cả mọi thứ đều đa dạng và có nhiều góc nhìn khác nhau. Ví dụ như chúng ta thường chỉ biết Châu Phi là nơi nghèo đói, dịch bệnh rồi chỉ cần nhìn thấy người da đen, nghe nhác đến Châu Phi là tỏ ra thương hại, thậm chí đề phòng mà ít biết những góc khác, như Nigeria là nơi có nền công nghiệp điện ảnh Nollywood được đánh giá hàng top 5 của thế giới, GDP năm 2021 cao hơn Việt Nam gần 100 triệu USD. Chính vì thế, cô gái Nigeria ấy khi mới đến Mỹ, bạn cùng phòng đã ngay lập tức tỏ thái độ thương hại cô, muốn nghe nhạc bộ tộc và ngã ngửa khi thấy cô ấy nghe Mariah Carey. Những câu chuyện phiến diện tạo nên những khuôn mẫu. Chúng không sai, nhưng chúng không đầy đủ. Chúng khiến chúng ta có cái nhìn thiển cận và ít bao dung hơn.

Chia sẻ này của cô khiến mình nghĩ đến, những cuốn sách trẻ đọc, nếu không đa dạng, có thể bó hẹp trí tưởng tượng, suy nghĩ và thế giới của chúng đến mức nào. Cuốn sách “Good night stories for rebel girls” từng đếm số lượng sách thiếu nhi có nhân vật chính là nữ ít ỏi hơn số sách có nhân vật chính là nam đến thảm thương, đặc biệt là những nhân vật tài giỏi. Một video của Microsoft đã phỏng vấn các cô bé hỏi tên các nhà phát minh, các cô bé có thể kể vanh vách những cái tên – và đều là nam. Khi hỏi tên một nhà phát minh là nữ, chúng lại không hề nói ra được một cái tên đơn giản vì ở trường và những thứ chúng từng đọc, tiếp xúc chưa từng có, chúng chưa hề nghĩ rằng phụ nữ cũng có thể phát minh, có thể dấn thân vào công nghệ, khoa học. Mình cũng nhận ra trong hầu hết các truyện ehon Nhật Bản, nhân vật người mẹ bao giờ cũng là ở nhà, chăm con còn bố đi làm. Các nhân vật là động vật trong truyện cũng hầu hết là giới tính nam, chú huơu, chú voi, chú nai….

Tất nhiên là chúng ta rất cẩn trọng với sách cho con, từ ngôn từ, câu chuyện đến thông điệp của sách. Nhưng từng đó vẫn là chưa đủ khi mà những cuốn sách, những câu chuyện còn có thể có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến trí tưởng tượng, tư duy, quan điểm của trẻ chỉ vì sự mất cân bằng về giới tính, về văn hoá… trong số lượng sách mà trẻ đọc.

Thế nên, mình luôn tràn ngập hạnh phúc và cực kì vui mừng khi review những cuốn sách thuần Việt, những cuốn sách đa dạng với những góc nhìn mới. Như “Chuyện con gà” có con nhộng mặc cái áo yếm, có con dế đội nón lá, có con dê mặc áo dài, có lũ mèo và chuột như phảng phất hình ảnh trống đồng Đông Sơn và câu chuyện “Đeo chuông cổ mèo”… Như “Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên” có ông Bụt, phất trần và chuyện lũ chim nhặt thóc nhặt gạo cho Tấm. Như “Những nàng công chúa bí ẩn” có nàng công chúa tóc đen, khuôn mặt đậm chất Việt. Như “Đủng đỉnh trăng đi” có dãy phố như Hội An và những vùng núi như Tây Bắc. Bởi vì những cuốn sách đó để những đứa trẻ sẽ không giống như cô bé Chimamanda hồi bé, không hề nghĩ rằng những cô gái da màu như mình không thể là nhân vật trong những câu chuyện. Bởi vì những đứa trẻ Việt sẽ có thể lớn lên đầy tự tin rằng mình cũng có thể viết nên những câu chuyện về mình, viết những câu chuyện về người dân đạp xích lô, trồng lúa, bán hàng rong, ăn cơm cà… hoặc bất cứ điều gì từ cuộc sống thân thuộc xung quanh làm chất liệu, cảm hứng cho sự sáng tạo. Chúng hiểu rằng chúng có thể là nhân vật chính trong những câu chuyện, những cuốn sách có thể thay đổi thế giới, có thể chữa lành.

Vì thế, những cuốn sách dịch rất hay, rất cần thiết nhưng đừng bỏ quên những cuốn sách thuần Việt trong giá sách của con nhé! Cảm ơn các tác giả, hoạ sĩ, bên phát hành vẫn bền bỉ làm sách Việt. Trong ảnh là vài cuốn sách tranh thiếu nhi Việt cực kì xuất sắc <3

Bài viết liên quan

Định kiến giới ở trẻ

“Con trai mà nhát cáy, khóc cái gì!” “Con gái mà nghịch hơn con trai.” “Thôi mình con trai mình nhường con gái!” “Con trai

Về Tổ Líu Lo

Tổ Líu Lo là kênh thông tin về sách và đọc sách cho trẻ.

Những review và chia sẻ của chúng mình hi vọng sẽ hữu ích để bố mẹ có thể tìm thấy những cuốn sách phù hợp nhất, gợi ý  đọc sách hiệu quả và vui vẻ nhất để nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho bé.

Theo dõi Tổ

Nhận những bài viết mới nhất của Tổ gửi qua email hàng tuần

Chia sẻ bài viết này

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest