Đây là cuốn sách mình đã đọc 1 lần từ lâu rồi nhưng gần đây, trong vụ việc của bé Vân An, mình lại thấy 1 công lý đám đông, đặc biệt là vài người mà mình rất tôn trọng và tin tưởng họ là người hiểu biết rộng, có tư duy phản biện, cách nhìn đúng đắn cũng lao mình vào đám đông cuồng nộ với sự hằn học. Lúc đó mình hoang mang, hay là mình đang sai, đang cư xử không đúng? Và mình tự đặt những câu hỏi mà không thể tự trả lời được là:
• Vì sao con người có thể độc ác đến thế? Do bẩm sinh, do những trải nghiệm tồi tệ thời thơ ấu, do giáo dục…? Nếu có bản tính ác thật bẩm sinh, bố mẹ những đứa con đó nên làm gì, họ phải chịu trách nhiệm ra sao với tội ác của con mình gây ra? Và làm sao để con mình sẽ không độc ác như thế?
• Có tội ác nào là không thể tha thứ cho dù hình phạt có nặng nề đến thế nào không? Có đúng không khi gọi một người là ác quỷ, kêu gọi xử tử, tra tấn họ?
• Một hành động có phải chứng tỏ bản chất người đó là như thế không? Bản chất đó có thể thay đổi không? Có phải vì cô Trang đúng là không có tính người nên mới hành xử như thế không?
Vì những rối rắm đó khi chứng kiến những trận bão trên Facebook, mình buộc lòng phải tìm lại cuốn sách này để đọc và đây là cuốn sách đầu tiên mình hoàn thành trong năm 2022 này. Khi đọc cuốn sách trong cái nhìn và suy ngẫm về một sự việc đang nóng hổi, hiện hữu và mình có tham gia vào những tranh luận, mình mới thật sự thấu hiểu cuốn sách. Tuy đọc xong mình vẫn có những câu hỏi bỏ ngỏ nhưng mình đã hiểu được nhiều điều hơn.
Về cơ bản, cuốn sách này nói về hiện tượng mọi người trở nên “độc ác” nhân danh cái thiện, nhân danh công lý. Hiện tượng này đã có từ lâu trong xã hội nhưng trong thời đại internet, nó được khuếch đại lên ở một mức độ cực kì nghiêm trọng. Đó là khi ta kêu gọi xử tử những bảo mẫu hành hạ trẻ em, Hồ Ngọc Hà vì tội yêu đương với một đại gia đang có vợ con, 2 doanh nhân ăn cắp kính ở nước ngoài. Ta gọi họ là súc vật, ác quỷ, đáng khinh, bản chất là như thế, không thể tha thứ và vô vàn những bình luận cay nghiệt khác. Ta bới móc facebook của họ, đời tư của họ, bình phẩm về ngoại hình và những lời nói trước đây của họ, dù nó chẳng liên quan gì đến hành vi sai của họ.
Khi đọc cuốn sách đó, mình cũng nhìn thấy bản thân mình trong đó. Mình cũng đã từng độc ác nhân danh công lý, cho rằng mình đang chiến đấu vì một xã hội trong sạch hơn,, vì những kẻ không xứng đáng được coi trọng, không đáng bị coi là người. Mình đã không nhận ra tương quan cần có giữa hành vi sai và sự trừng phạt, không nhìn thấy động cơ, trải nghiệm, lí do nào dẫn họ đến hành vi đó, không hiểu rằng “sông có khúc, người có lúc”, một hành vi sai không nhất thiết chứng tỏ con người đó hoàn toàn là xấu xa là sẽ mãi mãi không thay đổi. Mình đã không hiểu rằng, con người có quyền riêng tư, quyền được thể hiện những mặt nào của bản thân mình với ai mà không bị phô bày cho cả xã hội và cả quyền được google quên.
Đôi lúc khi đọc, mình cũng băn khoăn, có những tội ác như của Nguyễn Võ Quỳnh Trang, liệu có xứng đáng được tha thứ, được có một cơ hội hoàn lương, liệu có bao giờ cô ấy sẽ có thể hoàn lương không? Mình cũng băn khoăn, nguyên nhân nào đã dẫn cô ấy đến hành vi ác độc đó, mình hiểu rằng việc xã hội xem đánh con là một cách giáo dục là một nguyên nhân, nhưng liệu có phải từng bị một trải nghiệm khó khăn nào thời thơ ấu, bị xâm hại, bị bạo hành mới khiến cô ấy ra tay tàn tệ đến thế không? Nếu là thế, mọi người có bao dung hơn với cô ấy không hay vẫn nghĩ là cố tình tẩy trắng, dối trá? Mình cũng từng thấy hay là mình ngây thơ, ngu dốt quá khi cứ tin những việc có thật trong khi mọi người nghi ngờ, phải thế mới là tư duy phản biện, tỉnh táo và khôn ngoan?
Mình lần đầu thực sự chú ý và ngẫm nghĩ kĩ về lắng nghe thiên vị và buồng vang, về việc chúng ta tưởng là mình tự do tiếp cận mọi điều, hóa ra thuật toán công nghệ khiến chúng ta chỉ tiếp cận với những điều gần giống mình, khiến ta cứ nghĩ mình là đúng, bỏ qua những dấu hiệu mình sai cho là ngoại lệ. Mình cũng đã hiểu rõ việc chúng ta có thể bao dung hơn với người gần ta, giống ta, tàn nhẫn hơn với người xa lạ, khác ta, như câu nói của Vẹt lúc mình hỏi sao con cứ cáu bạn này mà không thấy cãi nhau với bạn kia: “Con có thể chấp nhận cho X làm thế nhưng không thể chịu được cho Y làm thế”.
Mình chưa bao giờ là con người tín Phật, tin vào những triết lý tha thứ, nhưng sau khi đọc, mình đã hiểu rằng, tha thứ là vì bản thân mình, để buông gánh nặng trong lòng mình đi, chứ không phải vì kẻ được tha thứ. Tha thứ không cần người ta phải hối lỗi, xin lỗi hay đền bù, vì nếu thế, mình sẽ bị mắc kẹt, bị phụ thuộc vào người ta.
Mình nhìn lại mình, có trải nghiệm nào mà mình không thể tha thứ không? Có.
Mình tự nhận mình là người dễ tính, dễ quên, dễ tha thứ, chỉ riêng một sự việc hồi học sinh mà đến giờ mình vẫn ghim trong lòng. Mình vẫn thi thoảng dõi theo 2 cô bạn đó, hả hê khi họ gặp chuyện không may, bực tức khi vì sao họ vẫn sống hạnh phúc, ghen ghét với bất kì ai quanh mình vẫn yêu mến họ.
Chuyện nghĩ lại cũng chẳng có gì to tát và trước đây mình cũng không hiểu vì sao trong muôn vàn sự việc, trải nghiệm suốt tuổi thơ, mình lại cứ ghim cái trải nghiệm đó mãi. Hôm đó mình đến lớp sớm, vừa vào lớp thì gặp ngay 2 cô bạn đang bê chiếc thau và chiếc khăn lau bảng (ngày xưa còn dùng bảng phấn, nước và khăn đó để lau bảng). Hai cô bạn đó hỏi mình đi học đã rửa mặt chưa, mình bảo rồi. Và 1 cô bảo tưởng chưa rửa thì có khăn và nước đây để rửa.
Mình như vẫn còn nhìn thấy cảnh đó hiển hiện trước mắt mình. Mình lúc đó khoảng lớp 8, đã đỏ bừng mặt, tức giận, xấu hổ, cúi gằm xuống đi vào lớp mà không dám nói lại một câu nào.
Sau này, mình hả hê khi một cô bị tai nạn gãy xương, 1 cô nhà phá sản, 1 cô dính phải kiện tụng với bạn bè thân thiết, Rồi mình lại tức tối tại sao sau vụ kiện đó họ vẫn làm bạn hạnh phúc với nhau, họ vẫn lập gia đình hạnh phúc, kinh tế chắc chắn hơn mình. MÌNH NGHĨ HỌ PHẢI SỐNG KHỔ SỞ THÌ MỚI XỨNG ĐÁNG.
Sau khi đọc cuốn sách này, mình đã dũng cảm nhìn lại trải nghiệm đó của mình. Mình giận dữ vì hai cô bạn đó luôn là “con nhà người ta” trong mắt mọi người, học giỏi, nổi bật, đến bố mình còn suốt ngày bảo ước có con như thế đến nỗi một lần mình hét lên với bố rằng “bố thích thì đi mà làm bố nó”. Mình giận dữ vì mình không được học giỏi, nổi bật như hai cô bạn ấy, vì mình kém cỏi và tự ti, không được công nhận, từ cả chính bố mình, cho dù chỉ là vô tình.
Mình dũng cảm nhìn là, hai cô bạn đó đã bắt nạt mình, đã cố tình làm tổn thương mình, đã trịnh thượng vì cái vị trí học sinh nổi bật luôn được xí xóa mọi tội lỗi đó. Trong mắt mình, các cô bạn đó là đồ giả tạo, trước mặt thầy cô thì ngoan ngoãn, sau lưng thì đi chê bai, khinh rẻ, bắt nạt bạn bè. Hành vi bắt nạt đó có thể họ đã quên từ lâu, chả ảnh hưởng gì đến cuộc đời họ nhưng khiến mình mang theo cái mặc cảm tự ti đó đến tận bây giờ và sau này, khiến mình mỗi lần nhớ đến trải nghiệm này đều tức giận và oán trách vì sao vẫn chưa thấy họ gặp họa.
Mình từng nghĩ rằng không việc gì phải bao dung với những kẻ ác đó cả. Họ xứng đáng bị trừng trị, gấp hàng trăm hàng nghìn lần hành vi họ đã gây ra.
Mình đã cố gắng chia sẻ cảm nhận đó, nhưng ai cũng chỉ tin những cô bạn HỌC GIỎI NỔI BẬT đó, mà cho rằng mình làm quá lên. Chỉ có mẹ mình từng lắng nghe, bảo rằng đứa trẻ kia thật hỗn láo và bảo sẽ xuống nói chuyện với mẹ bạn kia. Sau này mỗi lần ai đó vẫn khen đứa trẻ đó, mẹ mình lại chép miệng bảo nó bắt nạt con tao đấy. Điều đó đã cứu rỗi tình mẹ con có lúc lay lắt giữa mình với mẹ trong giai đoạn nổi loạn tuổi dậy thì, khiến mình chưa bao giờ ngừng biết ơn mẹ mình đã ở bên mình, trong những thời khắc mấu chốt.
Nhưng giờ mình đã hiểu, nỗi hận thù, căm ghét đó vẫn tồn tại vì mình vẫn tự ti, đứa trẻ trong mình vẫn chưa được chữa lành dù sau đó mình cố gắng học giỏi, sau đó mình là thủ khoa đại học, sau đó mình tốt nghiệp thạc sĩ, sau đó mình dành được vô số lời khen ngợi và phần thưởng. Và mình vẫn tự ti vì dù ngoài miệng bảo mình hài lòng với cuộc sống, mình vẫn khao khát có nhiều tiền hơn họ, đi xe xịn hơn họ, ở nhà to hơn họ, đi Châu u khi họ đi du lịch mấy nước láng giềng. MÌNH VẪN MUỐN PHẢI HƠN HỌ.
Mình nhận ra, họ, ngoài cái đặc tính xấu xa mà mình gán cho, họ có lẽ cũng có những điểm tốt khác, họ thực sự là bạn tốt với những người khác, bằng chứng là mình từng thấy họ đi họp lớp với bạn cùng lớp rất thân thiết, họ vẫn là bạn bè tốt với những người bạn mà gia đình họ từng mâu thuẫn kiện nhau ra tòa đi tù. Họ có thể vẫn là đứa con tốt, vì bố mẹ họ vẫn rất hạnh phúc và tự hào. Họ cũng mê đi du lịch như mình.
Đọc xong cuốn sách, dù cố gắng gạch be bét, viết ra rất nhiều mình VẪN CHƯA THỂ THA THỨ CHO HỌ. Nhưng mình nhìn ra được nguyên nhân trong lòng mình, nỗi khổ sở của mình, trải nghiệm tuổi thơ đó gây đớn đau cho mình biết bao, mình muốn ôm bản thân mình lúc đó biết bao. Đứa bé nhạy cảm, tự ti đã nuốt nỗi đắng cay đó trong bao lâu, hành hạ trái tim nó suốt bao năm tháng? Mình tạm thời có thể buông xuống, không mong họ gặp điều không may trong cuộc sống nữa, không dõi theo họ nữa. Nhưng mình không bao giờ có thể chào khi gặp họ, dù là bạn đồng lứa. Không bao giờ có thể nói chuyện với họ. Không bao giờ có thể nói chuyện với ai về họ. Mình chỉ tạm thời có thể khóa họ lại trong cuộc đời mình, để nỗi đau có thể tạm dừng.
Cuốn sách này thực sự đã cứu rỗi một trải nghiệm đau đớn nhất trong tuổi thơ của mình, cho mình dũng cảm để nhìn vào nó và thừa nhận nó. Mình hy vọng rằng, nó cũng có thể giúp ai đó có thể nhìn thấy những tổn thương bên trong mình. Khi ta chữa lành được cho mình, ta có thể bao dung hơn với cuộc đời, với con người, bớt độc ác hơn, dù là trên mạng, hay ngoài đời thật.
Và nhìn vào trải nghiệm đó là biết bao bài học cho mình trong quá trình nuôi dạy con, nhìn từ góc nhìn của mình, của cô bạn đó và của cả bố mẹ mình trong sự việc đó. Mình biết ơn vì những bài học đó.
Và mình biết rằng, bây giờ mình có thể tự tin khi viết ra điều gì hay tranh luận điều gì đó, không phải để cố tìm người đồng tình với mình, cố chứng minh rằng mình đúng người ta sai, mà chỉ là để được nói ra quan điểm của mình và chấp nhận rằng có thể mình sai. Tối nay, lướt fb thấy 1 stt khá cực đoan của một người bạn có ý kiến khác mình, mình đã có thể mỉm cười thay vì tức giận và vào cmt đôi co để chứng minh mình đúng. Mình đã bao dung hơn khi đọc những cuồng nộ, những ý kiến trái chiều từ người khác. Mình thực sự đã lớn lên, sau khi đọc và ngẫm nghĩ kĩ.