Hồi đi học, mỗi lần thuyết trình là mình thấy có bài rõ hấp dẫn, có bài rõ chán. Cùng là một nội dung, nói nhiều và nói sâu chưa chắc đã hiệu quả bằng nói ít và hấp dẫn, nhất là với người mới và ít kiến thức.
Khi tiếp cận sách khoa học cho trẻ, mình thấy thấm thía cái này. Như bản thân mình, ngoại trừ chủ đề mình cực kì quan tâm và thích còn nếu không, cầm mấy cuốn sách khoa học dày cộp mình chỉ thấy hoa mắt, chóng mặt, đau đầu. Nên kết quả là, 1 là không đọc, 2 là cố đọc cũng chẳng có gì vào đầu.
Thế nên mình mê mấy cuốn sách khoa học kiểu ngắn ngắn, hài hài, vui vui này lắm, kiểu như tạo hứng thú và dẫn dắt ban đầu. Mình tin là lũ trẻ cũng mê. Kiến thức thì vô biên, quan trọng là có tạo được hứng thú cho trẻ bước vào không, khi chúng thấy hấp dẫn rồi thì sẽ tự tìm hiểu sâu thêm, vui vẻ học tập, lúc ấy cầm sách dày không ngại, kiến thức sâu lại càng mê.
Này nhé, chỉ là đuôi thôi, con người không có đuôi nữa, có hiểu với các loài vật khác đuôi có tác dụng gì không? Với thằn lằn đuôi là một chiến lược sinh tồn hẳn hoi đấy, trong thời khắc nguy hiểm, hi sinh cái đuôi đánh lạc hướng kẻ thù để mình chạy thoát.
Đuôi còn có tác dụng là bánh lái, là “cái chân thứ 5”, là công cụ giữ thăng bằng, là vũ khí tấn công…
Cùng kiểu hài hài thế này còn có cuốn “Động vật có đi giày được không?” cũng hay lắm, để tìm thấy mình chụp và giới thiệu sau nha.