Khi mình đọc khung chương trình giáo dục ngôn ngữ của Canada mình đã phải ngớ người ra vì rất nhiều cái khác với dạy tiếng Việt ở nước mình. Vài cái khác nổi bật nhất là:
– Thông hiểu truyền thông là 1 trong 3 cột trụ, nội dung học chính bên cạnh giao tiếp miệng (nghe nói) và đọc, viết. Học thông hiểu truyền thông từ lớp 1.
– Phần viết không tập trung vào kiểu tả người, tả vật, viết bay bổng mà viết đa dạng từ hướng dẫn sử dụng đến hướng dẫn nấu ăn, quảng cáo… và tập trung viết đúng, rõ ràng hơn là viết hoa mĩ.
– Kỹ năng cần đạt được cực kì rõ ràng, chi tiết theo từng lớp, vẫn là chừng ấy kỹ năng nhưng càng lên lớp cao thì càng ít cần hỗ trợ và sâu hơn. Ví dụ giao tiếp miệng yêu cầu hiểu khi nào thì nên nói, quan sát ngôn ngữ cơ thể và tông giọng để bổ trợ hiểu những gì đang nghe…
Thế nên lúc quay sang đọc những sách dạy tiếng Việt ở nước mình, mình thấy chỉ tập trung vào viết là nhiều, các khoá học cũng đa số là viết văn hay trong khi ngôn ngữ là một thứ rộng hơn rất rất nhiều. Unessco định nghĩa “literacy” không phải chỉ là biết đọc, biết viết mà là cách chúng ta giao tiếp trong xã hội, ngôn ngữ là tự do. Trẻ cần ngôn ngữ để thể hiện bản thân, để xử lí các thông tin và ý tưởng và để sống sót trong xã hội bên ngoài trường học. Khi học ngôn ngữ đa dạng và toàn diện, trẻ hiểu sâu hơn về bản thân chúng và người khác, giúp chúng tự tin trong xã hội đa dạng.
Lan man để nói 1 điều là lúc đầu nhìn cuốn sách phát triển kĩ năng viết này mình khá là không đặt nhiều kì vọng. Lúc mở sách mình tìm mục lục đến phần viết báo cáo khoa học là phần có vẻ mới mẻ hơn cả xem thế nào. Và mình đã cực kì bất ngờ với cách triển khai của cuốn sách. Mở đầu là truyện tranh rất hấp dẫn lũ trẻ để dẫn nhập vào nội dung. Sau đó phần hướng dẫn rất khoa học, phát triển từ vốn từ vựng đến câu, tìm ý, dễ hiểu, bài bản, minh họa đẹp. Mình phải giở lại phần giới thiệu xem thì thấy tác giả là một tiến sĩ, cuốn sách viết tiệm cận với phương pháp học mới mẻ trên thế giới. Lúc đó mình mới ối à là thảo nào sách viết khoa học thế, có nền tảng chứ không phải kiểu mẹo này, mẹo kia.
Tất nhiên mình không hài lòng 100% với cuốn sách khi mà đa số vẫn là văn miêu tả, vẫn có tư duy viết hoa mĩ nhưng trên thị trường hiện nay chưa có bộ nào vượt trội được hơn bộ này cả.
Vậy nên, nếu bạn có con tiểu học, muốn tìm một bộ sách để cải thiện kĩ năng viết cho con thì bộ này là lựa chọn số 1. Mình chỉ khuyên một điều là, muốn viết tốt thì cần đọc nhiều, quan sát nhiều, trải nghiệm nhiều, ý tưởng và kiến thức, tư duy là cốt lõi của việc viết, những kĩ năng dùng từ, câu có thể học sau nhưng ý tưởng cần xây dựng, bồi đắp lâu dài. Và viết chưa hay cũng không sao, viết đúng, rõ ràng đã, điều này là nền tảng và quan trọng hơn. Đừng như bài văn đạt điểm 10 thi đại học rõ hoa mĩ mà đọc chẳng hiểu gì, tư duy k rõ ràng, mạch lạc. Đúng đã, rồi mới hay được.
Và cuối cùng, đừng quên ngôn ngữ rộng hơn chỉ biết viết văn hay, rất rất rất nhiều.
Ảnh lấy bên nhà chị Ngô Hương Thảo ạ, thấy bả đăng mới nhớ ra để review nè 😛