Review sách: Nuôi dạy một đứa trẻ tử tế

 

Mình từng đọc rất nhiều bài viết về nuôi dạy trẻ trở thành người tử tế, từ việc hướng dẫn hành vi, chia sẻ, đọc sách… nhưng mình luôn cảm thấy nó chưa đủ, nó thiếu một cái gì đó, nó sẽ không thể thành công được. Khi cầm cuốn sách “Truyện cổ tích tử tế” mình cứ băn khoăn mãi và giờ thì mình đã hiểu vì sao.

Một nghịch lí mà mình thấy là hầu như tất cả các bố mẹ đều mong muốn con cái chúng ta được sống trong một xã hội tử tế và mọi người nâng đỡ chúng nhưng đa số chúng ta vẫn nghi ngờ xã hội đầy ích kỉ, lừa lọc, độc ác và phải đề phòng. Vì thế, con phải đề phòng và khôn ngoan, tử tế với ai xứng đáng được đối xử tử tế thôi.

Một cuốn sách mình bắt buộc phải đọc khi đi học khoá học về phát triển là cuốn Nhân loại. Cuốn sách vẫn viết về một chủ đề tranh cãi rất cũ: Bản chất con người là độc ác hay lương thiện? Và nếu xảy ra thiên tai, loạn lạc, con người sẽ giúp đỡ nhau hay dẫm đạp lên nhau để giành phần sống cho mình?

Cuốn sách đưa ra quan điểm rằng, bản chất của loài người là hướng thiện, hợp tác, chúng ta luôn mong muốn đối xử tốt với mọi người. Chính sự hợp tác đó cũng là nguyên nhân khiến loài người vượt trội và là kẻ chiến thắng trong lịch sử. Nhưng những nghiên cứu khoa học bị tiến hành lệch lạc, lịch sử bị bóp méo và suy luận sai bởi những nhà nghiên cứu cùng với những chính trị gia bị quyền lực tha hoá gây nên những cuộc chiến, thảm sát khiến chúng ta dần tin rằng bản chất của con người là độc ác, là dẫm đạp lên nhau, chúng ta không ích kỉ, độc ác thì sẽ bị hại, bị xoá bỏ.

Nhưng còn nhiều nguyên nhân nữa khiến cho suy nghĩ bản chất con người là độc ác, ích kỉ là suy nghĩ phổ biến trong xã hội. Có rất nhiều điều trong đó rất đáng suy ngẫm, vì chúng ta có thể thay đổi, có thể dạy con cái chúng ta để tất cả chúng ta đều tin vào một thế giới tử tế, sống yên bình và lạc quan trong đó hơn là nơm nớp sợ hãi trong một thế giới có vẻ luôn độc ác, ích kỉ. Đó là:

1.Truyền thông có vai trò rất lớn trong việc gây ra nhận định sai lầm của chúng ta về thế giới và bản chất con người. Chúng ta đang sống trong thời đại an toàn nhất, tỉ lệ tử vong vì bạo lực thấp nhất, tuổi thọ cao nhất trong lịch sử nhân loại nhưng chúng ta luôn có cảm giác lo sợ mình có thể là nạn nhân của một vụ đánh nhau, giết người bất kì lúc nào. Số lượng người chết vì tai nạn hàng không thấp nhất trong lịch sử nhưng chúng ta lại thấy đi máy bay nguy hiểm hơn bao giờ hết, nguy cơ rơi bất kì lúc nào. Bởi vì những sự việc bình thường thì không thu hút sự chú ý của chúng ta, chỉ những sự việc giật gân, đáng sợ, kì lạ mới khiến chúng ta dừng lại, click chuột. Chính vì thế, truyền thông đã khai thác tối đa điều này để đạt view, kiếm tiền. Các vụ giết người ít hơn nhưng được đưa tin nhiều hơn, dày đặc hơn, nghiêm trọng hơn. Thậm chí, các kênh truyền thống lớn còn không ngần ngại bóp méo thông tin để khiến nó trở nên giật gân hơn, nhất là về sự vô cảm và độc ác của người khác, như vu khống các nhân chứng là có khả năng hỗ trợ nhưng đã để mặc nạn nhân đến chết trong khi thực sự họ đã hành động ngay lập tức với tất cả khả năng, bất chấp nguy cơ bị liên luỵ.

2. Việc càng đọc nhiều, học nhiều, tiếp xúc nhiều và nghĩ về sự độc ác và vô cảm khiến chúng ta ngày càng trở nên vô cảm hơn. Những sinh viên kinh tế năm 4 trở nên lạnh lùng và ích kỉ hơn năm 1, sau quá trình học về những quy luật kinh tế ích kỉ. Nhưng ngược lại, ví dụ, nếu tham gia chơi game với nhân vật là người tốt, chúng ta có xu hướng làm việc tốt nhiều hơn ở ngoài đời.

3. Có một hiệu ứng tâm lý gọi là “Hiệu ứng giả dược”. Nếu chúng ta tin một điều gì đó là đúng, chúng ta có xu hướng hành động theo hướng đó và khiến điều đó trở thành sự thật. Nếu chúng ta tin bản chất con người là độc ác, chúng ta sẽ đề phòng, miệt thị và tấn công họ, kết quả biến họ thật sự thành kẻ độc ác.

3. Thời đại internet góp phần không nhỏ vào sự độc ác. Khi không nhìn thấy nhau, chúng ta dễ tàn nhẫn với nhau hơn. Khi không biết nhau như là những con người, chúng ta dễ nhục mạ nhau hơn. Và khi có người cùng làm, hiệu ứng đám đông khiến chúng ta cuồng loạn hơn.

4. Những nghiên cứu tâm lý đã chứng minh rằng trẻ nhỏ luôn có bản tính hướng thiện và tử tế, đối xử tốt với người khác, chọn người tốt và an ủi những người bị tổn thương. Nhưng, nếu chúng ta khiến trẻ tin rằng chúng tốt hơn, giỏi hơn, có quyền lực hơn người trẻ khác, những nhóm khác, chúng sẽ rất dễ trở nên độc ác, có tâm lý thượng đẳng khi đối xử với người khác. Trẻ rất nhạy cảm với sự khác biệt và xu hướng gắn kết, tử tế với những người quen thuộc, bài trừ những kẻ lạ luôn rất mạnh mẽ trong chúng ta. Chúng ta rất dễ độc ác với những kẻ lạ và công tắc bài ngoại với trẻ con càng dễ dàng bật hơn.

Nhưng dù các nhà nghiên cứu, khoa học và xã hội có cố chứng minh bản chất con người là ích kỉ, độc ác bao nhiêu thì trong những hoàn cảnh khốn cùng, thường tính thiện sẽ chiến thắng. Mỹ từng ném mưa bom xuống Việt Nam vì tin rằng sự hoảng loạn sẽ khiến đất nước này sụp đổ nhưng không, người dân hợp tác, chia sẻ, an ủi nhau, sức sống mạnh mẽ hơn, ý chí chiến đấu cao hơn. Những vụ thiên tai khốc liệt đều chứng minh rằng trong khốn cùng, con người luôn chọn hợp tác và giúp đỡ nhau dù là cơn bão ở Mỹ, sóng thần ở Nhật hay bất kì nơi nào trên thế giới. Đó là đặc điểm chung của loài người chứ không phải đặc tính riêng của một quốc gia nào đó.

Cuối cùng thì, khi chúng ta tin rằng bản chất con người hướng thiện và vì sao chúng ta lại bị dẫn dắt sai lầm rằng bản chất con người ngược lại, là ích kỉ, chúng ta có thể chọn nuôi dưỡng sự tử tế, xây dựng một xã hội tử tế thực sự chứ không phải tử tế khôn ngoan, một xã hội mà ai cũng nghĩ rằng người khác sẽ tử tế, ai cũng tin tưởng và đối xử tốt với nhau.

Bắt đầu bằng việc chúng ta TIN rằng thế giới này tử tế, chúng ta truyền niềm tin và thái độ sống đó cho trẻ, chứ không chỉ là giả vờ ngoài mặt với trẻ còn chúng ta vẫn nghĩ xã hội này phải đề phòng. Trẻ rất tinh tế và chúng học từ những gì chúng thấy và cảm nhận, chứ không phải chỉ từ những gì chúng nghe thấy.

Bắt đầu bằng việc chúng ta HÀNH ĐỘNG luôn hướng đến tử tế, giúp đỡ, tin tưởng vào thiện ý và sự hướng thiện của người khác, dù là những người đã có hành động độc ác, để chậm lại thấu hiểu và suy xét, để cho họ cơ hội phục hồi, để tôn trọng phẩm giá của những người thứ ba hay ngừng việc buông lời độc ác trên mạng.

Và cuối cùng, bằng việc chúng ta DẠY con trẻ tử tế, bằng những cuốn sách, bằng hành động, bằng lời nói hàng ngày.

Nếu không có việc chúng ta tin, chúng ta hành động thì việc chúng ta dạy trẻ tử tế chỉ là phần ngọn hời hợt và sẽ khó có thể nuôi dưỡng sự tử tế. Chỉ khi đó, những cuốn sách như “Truyện cổ tích tử tế” mới có thể tạo nên một thế hệ, một xã hội thực sự tử tế, một lịch sử tràn đầy hi vọng cho nhân loại.

Bài viết liên quan

Định kiến giới ở trẻ

“Con trai mà nhát cáy, khóc cái gì!” “Con gái mà nghịch hơn con trai.” “Thôi mình con trai mình nhường con gái!” “Con trai

Về Tổ Líu Lo

Tổ Líu Lo là kênh thông tin về sách và đọc sách cho trẻ.

Những review và chia sẻ của chúng mình hi vọng sẽ hữu ích để bố mẹ có thể tìm thấy những cuốn sách phù hợp nhất, gợi ý  đọc sách hiệu quả và vui vẻ nhất để nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho bé.

Theo dõi Tổ

Nhận những bài viết mới nhất của Tổ gửi qua email hàng tuần

Chia sẻ bài viết này

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest