Review sách: Nuôi dạy đứa trẻ tự chủ

Mình phải đọc đến 3 lần, gạch chân be bét và ghi chú ra sổ xong mới dám viết review vì cuốn sách này vì nó là MỘT CUỐN SÁCH CỰC KÌ XỨNG ĐÁNG, mình muốn viết 1 bài review xứng đáng với giá trị của cuốn sách.

Ưu điểm đầu tiên của cuốn sách này là nó viết bởi 2 tác giả, 1 người là chuyên gia về thần kinh, một người là giáo viên dạy kèm có kinh nghiệm làm việc thực tế với rất nhiều trẻ. Sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tế, kiến thức khoa học và thường thức trong cuốn sách này rất rõ khiến nó không nặng tính học thuật quá, khá dễ đọc, dễ tiếp thu. Nhưng quan trọng nhất, mình thích cái cốt rễ khoa học của cuốn sách này, mọi luận chứng trong sách đều dựa trên những nghiên cứu về não bộ, thần kinh và tâm lý chứ không chỉ là kinh nghiệm đúc kết từ nuôi 1 em bé. Phải là một nghiên cứu đủ lớn, đủ khoa học thì mới đi đến một kết luận tương đối có thể áp dụng đại trà, còn những cuốn sách viết dựa trên kinh nghiệm của 1 bà mẹ nuôi 1 đứa bé thì chỉ nên đọc tham khảo cho vui thôi vì mỗi em bé là một cá thể hoàn toàn khác nhau, áp dụng máy móc thì rất dễ stress và phản tác dụng.

Ưu điểm thứ hai của cuốn sách này là nó đi đến gốc rễ của việc nuôi dạy trẻ, gốc rễ của cuộc sống hạnh phúc mà mình từng mơ hồ qua nhiều cuốn sách nhưng đến giờ mới thực sự tỏ tường.

Cuốn sách mở đầu bằng vấn đề căng thẳng và trầm cảm sẽ ảnh hưởng thế nào đến khả năng học tập và cuộc sống của trẻ. Chúng ta thường bị căng thẳng độc hại do bị làm những việc bị ép buộc, không có khả năng tự kiểm soát. Trầm cảm là nguyên nhân dẫn đến khuyết tật lớn nhất trên hành tinh, như cuốn sách đặt tên là áp lực ghê gớm nhất trên hành tinh này. Khi bị căng thẳng, não bộ không thể suy nghĩ hợp lý, vùng vỏ não trước trán chịu trách nhiệm cân nhắc, ra quyết định bị chìm, vùng bản năng lên nắm quyền, hồi hải mã bị tổn thương khiến khả năng ghi nhớ bị giảm sút. Trẻ gặp nhiều vấn đề trong học tập và cuộc sống vì căng thẳng chứ không phải vì khả năng học hỏi của chúng kém.

Vì vậy chúng ta sẽ phải chuẩn bị để con tin rằng và có khả năng tự kiểm soát cuộc đời mình, tự ra quyết định, tự tìm ra thứ chúng đam mê, tự theo đuổi con đường chúng muốn và học hỏi từ sai lầm, những điều này giúp chúng giảm căng thẳng và tốt cho sự phát triển não bộ của chúng. Chúng ta có thể ép con học trường này, môn này, sắp xếp giờ này việc kia nhưng CHÚNG TA KHÔNG THỂ BẢO VỆ CON KHỎI BẢN THÂN CHÚNG CẢ ĐỜI. Sẽ đến lúc chúng sẽ phải tự sống cuộc đời của chính mình, tự ra quyết định, mà nếu đến thời điểm đó, chúng vẫn chưa có khả năng suy nghĩ, phân tích, hiểu bản thân mình, lạc quan với những sai lầm và bước lùi thì thật nguy hiểm, nguy cơ căng thẳng và trầm cảm nhấn chìm chúng sẽ rất cao. Đây chính là mục tiêu cuối cùng và cao nhất trong việc nuôi dạy con. Việc của bố mẹ là hỗ trợ để con có thể dần dần có khả năng ra quyết định đúng đắn, kiểm soát tốt cuộc đời mình từ việc nhận ra khả năng của bản thân là gì, muốn theo đuổi điều gì đến việc sẽ kiểm soát việc chơi game và thiết bị điện tử như thế nào, đối phó với thuốc lá và ma túy thế nào vì chúng ta không thể thuê thám tử giám sát con 24/24. Chúng sẽ phải tự giám sát bản thân mình.

Việc buông tay để con tự kiểm soát, ra quyết định có thể khiến nhiều bố mẹ sợ hãi và hoang mang, nếu con quyết định sai thì sao, chúng mắc kẹt thì sao… Để “trợ tim” cho các bố mẹ, mình rất thích vài quan điểm sau của cuốn sách:

– Hãy khiêm nhường, đôi khi chúng ta không biết cái gì mới là đúng. Bố mẹ muốn cắt tỉa con như cắt tỉa một cái cây nhưng cái cây ấy còn chưa thành hình là cây gì, có thể nó không dành cho khoa học, cho nghệ thuật, cho y tế….

– Đến lúc nào sẽ là cột mốc để chúng ta thả con ra để chúng tự quyết định cuộc đời chúng? Đến lúc đó, khi không có khả năng ra quyết định, chúng sẽ xử lí cuộc đời mình như thế nào khi không còn ai quyết định hộ, ép buộc hộ?

– Thành công và hạnh phúc không phải là một con đường thẳng, chỉ đi một mạch đến đích, không học trường này, không làm việc này thì sẽ mắc kẹt, không thể thành công hay hạnh phúc được. Tương quan giữa trường học và thành công của một đứa trẻ rất thấp.

Nhưng để con tự kiểm soát, tự ra quyết định chúng thích gì, sẽ làm gì, sẽ kiểm soát bản thân ra sao không phải có nghĩa là bố mẹ sẽ bỏ mặc trẻ, tự bơi hoặc chết chìm. Vai trò của bố mẹ sẽ là:

– Đưa ra những giới hạn mà ở trong giới hạn đó cho phép con được tự quyết định và tự do. Giới hạn này sẽ mở rộng theo tuổi của con lớn dần mà không có chỉ dẫn cụ thể nào cả, bố mẹ sẽ phải tự cân nhắc. Em bé 2 tuổi có thể tự quyết định mặc áo hồng hay áo xanh, em bé 10 tuổi có thể quyết định học trường này hay trường kia….

– Để con tự quyết định nhưng bố mẹ sẽ là người tư vấn, giúp con tìm hiểu những ưu nhược điểm của từng phương án, khuyến khích con hỏi ý kiến từ những người khác. Nếu trẻ không có đủ thông tin và không lắng nghe tư vấn, trẻ không được phép quyết định. Khi có đủ thông tin cần thiết, khả năng quyết định của trẻ tốt ngang ngửa người lớn.

– Sẵn sàng đưa ra những quyết định mà con chưa sẵn sàng quyết định và giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi con đưa ra quyết định sai lầm. Việc giải quyết này không phải là lấy lại quyền quyết định của con, mà dựa trên hậu quả, bố mẹ có thể thiết lập lại một vài giới hạn, đưa ra các gợi ý hỗ trợ để sai lầm không lặp lại. Trẻ cần học cách nhận diện và quản lý rủi ro, học hỏi từ các quyết định sai lầm và điều chỉnh suốt đời, chúng ta không thể bảo vệ trẻ khỏi chính bản thân chúng.

Đó là những điều quan trọng nhất mà mình ghi nhớ, đúc kết từ cuốn sách này, chia sẻ để các bạn cảm nhận cuốn sách này tuyệt vời thế nào. Còn để bạn thật sự tâm phục khẩu phục các quan điểm này, các bạn nên đọc sách, đọc những luận chứng và nghiên cứu khoa học, cùng những gợi ý, nhắc nhở, hướng dẫn thì sẽ thấy tin tưởng và dễ hiểu, dễ áp dụng hơn. Cuốn sách này không phải loại sách cầm tay chỉ việc, bảo bạn hôm nay cho con quyết định cái này, mai quyết định cái kia mà nó chỉ cung cấp nguyên lí và gợi ý cơ bản, bạn sẽ phải tùy biến cho phù hợp với hoàn cảnh của mình, với con mình. Nhưng mình thích điều này, vì không thể áp dụng bất kì cái gì cứng nhắc, vì mỗi em bé có một tốc độ phát triển riêng và ưu tiên, tài năng, suy nghĩ, vấn đề riêng, mỗi gia đình có hoàn cảnh và những ưu tiên riêng. Trong mọi trường hợp, chỉ cần nhớ đúng nguyên lí cốt lõi, chúng ta rồi sẽ tìm thấy đường, và con cái chúng ta rồi sẽ ổn thôi, nhỉ?

Vài quan điểm thực sự khiến mình ngạc nhiên từ cuốn sách này:

– Năng lực là sự tin tưởng mình có thể làm được điều gì đó chứ không phải khả năng thực sự có thể làm được việc đó hay không.

– Khi có thể hình dung ra một mục tiêu rõ ràng và cụ thể, chúng ta có cảm giác như mình đã đạt được nó. Sự mong chờ này có tác dụng kích thích bộ não hơn là thành công thực sự.

– Làm một con cá lớn trong ao nhỏ, là học sinh nổi bật tại một ngôi trường ít danh tiếng lâu dài sẽ tốt cho trẻ hơn là lu mờ ở một ngôi trường danh tiếng.

– Khi không làm gì cả, nghỉ ngơi triệt để, tâm lang thang mơ mộng giữa ban ngày là lúc não hoạt động từ 60-80% công suất để ghi nhớ, sắp xếp và kết nối.

– Trường học và điểm số có tương quan rất thấp với thu nhập, thành công và hạnh phúc của một người.

– Thu nhập và hạnh phúc có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng ở mức thấp. Khi thu nhập đạt đến một điểm nào đó, việc gia tăng thu nhập không khiến gia tăng hạnh phúc.

– Căng thẳng độc hại kéo dài và thiếu ngủ khiến não làm việc không hiệu quả, suy giảm trí nhớ và khả năng học tập.

Một vài đoạn trong sách mà mình rất thích, xin note lại:

“Có rất ít việc khiến cha mẹ tức giận hơn là trông thấy người ta cư xử không phải với con mình. Bạn có thể vẫn đau lòng rất lâu khi con đã quên. Nhưng rõ ràng, đó là vấn đề của trẻ, không phải của bạn… đó là cuộc đời của con bạn, chứ không phải của bạn.”

“Giáo viên có thể giảng dạy, huấn luyện viên có thể huấn luyện, cố vấn học tập có thể đưa ra các yêu cầu để tốt nghiệp nhưng chỉ có một việc duy nhất cha mẹ có thể làm: yêu thương con vô điều kiện và đem đến cho con một căn cứ an toàn khi ở nhà.”

“Bọn trẻ cần được thực hành quản lý và chấp nhận các rủi ro không gây chết người. Suy cho cùng, cuộc sống không hoàn toàn không có rủi ro, chúng ta phải chấp nhận rủi ro trong tình yêu, trong công việc, trong tài chính. Học cách nhận diện và quản lý rủi ro là một phần của quá trình trưởng thành. Hãy nhắc con rằng không phải lúc nào bạn cũng có thể canh chừng con, đảm bảo sự an toàn của con, vì vậy con sẽ tự mình gánh vác một phần trách nhiệm đó.”

Bài viết liên quan

Định kiến giới ở trẻ

“Con trai mà nhát cáy, khóc cái gì!” “Con gái mà nghịch hơn con trai.” “Thôi mình con trai mình nhường con gái!” “Con trai

Về Tổ Líu Lo

Tổ Líu Lo là kênh thông tin về sách và đọc sách cho trẻ.

Những review và chia sẻ của chúng mình hi vọng sẽ hữu ích để bố mẹ có thể tìm thấy những cuốn sách phù hợp nhất, gợi ý  đọc sách hiệu quả và vui vẻ nhất để nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho bé.

Theo dõi Tổ

Nhận những bài viết mới nhất của Tổ gửi qua email hàng tuần

Chia sẻ bài viết này

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest