Đây là cuốn sách viết về tuổi teen mà mình tâm đắc nhất, tập trung viết về những THAY ĐỔI TRONG NÃO BỘ của trẻ khi bước vào tuổi teen, là nguyên nhân dẫn đến vô số vấn đề ở tuổi teen dựa trên góc độ nghiên cứu, khoa học. Đặc biệt là, trên thế giới, việc nghiên cứu về não bộ tuổi teen vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đa số các nhà khoa học vẫn chú trọng vào thời kì thơ ấu (0-6 tuổi) của trẻ nên cuốn sách này có thể coi như là tập hợp kiến giải những nghiên cứu khoa học cập nhật nhất, đầy đủ nhất hiện có về não bộ tuổi teen, từ góc độ của một bà mẹ và là một chuyên gia nghiên cứu.
Khi đọc bạn sẽ hiểu là, tuổi teen là một thời kì đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến cả cuộc đời trẻ không kém, thậm chí quan trọng hơn thời thơ ấu, là thời kì cung cấp cơ sở cho việc học tập tăng tốc và hiệu quả nhất trong cuộc đời nhưng cũng là thời kì nhiều mạo hiểm, căng thẳng, thách thức, dễ sa ngã và những vấn đề sẽ gây ảnh hưởng, nghiêm trọng, lâu dài đến sức khỏe tinh thần của trẻ suốt cả cuộc đời. Hiểu nguyên nhân về sự phát triển của não bộ, cách não bộ vận hành đằng sau những nổi loạn, mạo hiểm của trẻ khiến chúng ta dễ thông cảm cho trẻ hơn, dễ chấp nhận hơn, dễ kết nối hơn và cũng dễ hỗ trợ con hơn là nghĩ rằng chúng muốn nổi loạn, thách thức chúng ta. Bản thân trẻ cũng phải vật lộn với những thay đổi trong não bộ của chúng để trưởng thành.
Đây chính là ý mình tâm đắc nhất ở cuốn sách này:
• Khi bước vào thời kì tuổi teen, nồng độ hoc môn trong cơ thể trẻ cao lên và bắt đầu hoạt động, gây ra những thay đổi cả về sinh lý và não bộ. Các hóc môn này liên kết với chất hóa học cảm xúc trong não bộ, liên kết với hạnh nhân – khu vực cảm xúc và tình dục của não cũng như hệ viền. Chính vì thế, trẻ vị thành niên sẽ có cảm xúc thay đổi đột ngột, liên tục, muốn tìm kiếm những cảm xúc mạnh, sự hưng phấn – nguyên nhân dẫn đến việc thử nghiệm những chất kích thích, các hành vi mạo hiểm.
• Cách hóc môn của trẻ vị thành niên hoạt động cũng khác với người lớn, nổi bật nhất là một loại hóc môn có tác dụng ức chế căng thẳng với người lớn lại khiến gia tăng căng thẳng ở trẻ vị thành niên. Vì thế, trẻ dễ bị lo âu, căng thẳng và áp lực hơn theo hiệu ứng kép.
• Thời kì sơ sinh là lúc trẻ sinh ra với nhiều chất xám, nơ ron thần kinh nhất nhưng lại ít chất trắng là những chất truyền dẫn thần kinh, kết nối các nơ ron với nhau, để phân tích các kích thích, đưa ra các quyết định.
Ở thời kì ấu thơ 0-6 tuổi là thời kì chất trắng phát triển mạnh mẽ, não bộ liên kết mạnh và khả năng học hỏi của trẻ dồi dào. Khả năng này giảm dần ở giai đoạn giữa nhưng đến tuổi vị thành niên lại tăng trưởng mạnh mẽ. Các chất truyền dẫn này có 2 loại là chất truyền dẫn kích thích một hành động hoặc chất truyền dẫn ức chế một hành động.
Ở trẻ vị thành niên, chất truyền dẫn kích thích tăng trưởng mạnh khiến trẻ có khả năng học tập mạnh mẽ, dồi dào hơn bất kì giai đoạn nào trong cuộc đời. Chúng sẽ dễ dàng học tập, dễ dàng ghi nhớ và ghi nhớ rất lâu. Tuy nhiên, sự dồi dào này cũng khiến trẻ dễ đáp ứng kích thích từ những điều mới mẻ, mạo hiểm, chất kích thích, gây cảm xúc mạnh. Chúng dễ học hỏi những điều không tốt, dễ gây nghiện và khi nghiện thì cũng bám rễ sâu hơn rất nhiều.
Số lượng chất truyền dẫn ức chế ở trẻ vị thành niên không nhiều lắm, chính là nguyên nhân khiến chúng rất khó khăn và mất nhiều thời gian để quyết định không làm một việc gì đó, cho dù nhận thức hành động đó là không tốt và nguy hiểm.
• Thời kì vị thành niên là thời kì mà dopamine trong não trẻ tăng vọt. Dopamine có tác dụng kích thích mạnh, khiến trẻ hào hứng với các phần thưởng, nhất là những phần thưởng ngay lập tức. SỰ MONG CHỜ đạt được phần thưởng khiến não trẻ hưng phấn HƠN CẢ cảm giác lúc đạt được phần thưởng đó. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ có những hành vi mạo hiểm dù biết rõ hậu quả, chỉ vì niềm mong chờ phần thưởng. Chúng cũng có thể lặp đi lặp lại hành vi mạo hiểm đó nhiều lần, để chờ đợi phần thưởng xuất hiện ở lần tới, giống như đánh bạc. Vì thế, trẻ dễ thử nghiệm chất kích thích, tình dục, mạo hiểm vì hưng phấn mà nó mang lại, và dễ dàng gây nghiện.
• Não bộ của trẻ phát triển từ trước ra sau, từ dưới lên trên và vùng hoàn thiện muộn nhất là thùy trán – cơ quan chịu trách nhiệm suy nghĩ, cân nhắc, quyết định. Trong tình huống lí tưởng, thùy trán lãnh đạo cả bộ não, đưa ra những quyết định đúng đắn và sáng suốt.
Ở trẻ vị thành niên, do thùy trán chưa phát triển đủ và liên kết lỏng lẻo với các phần còn lại của bộ não nên chúng thường ra những quyết định không thấu đáo, những quyết định kiểu không thể nào hiểu nổi.
Thùy trán kém phát triển khiến trẻ xử lí thông tin tiêu cực kém, thổi phồng và xoáy sâu vào những tiêu cực khiến lo âu, căng thẳng cao hơn.
Thùy trán còn có 1 chức năng là bộ nhớ tương lai, giúp trẻ nhớ sẽ làm việc gì vào thời điểm nào trong tương lai hay học hỏi từ sai lầm rằng “mình sẽ không bao giờ lặp lại hành động này nữa”. Vì thùy trán chưa phát triển nên khả năng ghi nhớ này của trẻ cũng rất kém, chúng có xu hướng lặp lại sai lầm dù đã nhận thức được những sai lầm đó.
• Thùy đỉnh cũng là một bộ phận phát triển chậm ở não trẻ vị thành niên. Thùy đỉnh chính là nơi giúp chúng ta làm việc đa nhiệm, chuyển đổi giữa nhiều hoạt động khác nhau trong cùng một lúc. Thùy đỉnh của trẻ vị thành niên chưa phát triển nên chúng dễ bị xao nhãng, không thể tập trung khi đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ một lúc. Đó là lí do tai nạn giao thông khi trẻ vừa lái xe vừa nghe điện thoại rất cao, lí do chúng không ghi nhớ những chỉ dẫn dài và phức tạp, nhiều bước, làm nhiều việc ở cùng một thời điểm.
Khi kết hợp những thay đổi ở bộ não trẻ vị thành niên này với nhau, chúng ta sẽ thấy công thức của những nguy cơ và thảm họa:
Dễ bị kích thích + Đi tìm sự hưng phấn và cảm giác mạnh + Thích phần thưởng ngay lập tức + Mất nhiều thời gian và khó ra quyết định không làm gì + Khả năng ra quyết định kém + Khả năng học hỏi từ sai lầm kém + Dễ bị nghiện + Nghiện rất nặng
Một công thức thảm họa khác là:
Cảm xúc dễ thay đổi + Dễ căng thẳng + Căng thẳng kép do ít khả năng làm dịu căng thẳng + Xử lí thông tin tiêu cực kém
Những công thức này giải thích rất nhiều vấn đề ở trẻ vị thành niên, sự điên rồ, mạo hiểm của chúng.
Khi đã hiểu nguyên nhân, chúng ta sẽ thấu hiểu, thông cảm và đưa ra những cách can thiệp hợp lý hơn. Trong cuốn sách này, tác giả đã gợi ý những cách rất hay:
• Là thùy trán của con, giúp con lên kế hoạch và ra quyết định cho những điều con chưa sẵn sàng
• Thiết lập giới hạn và giám sát chặt chẽ khi con vượt ra khỏi những giới hạn đó
• Là người tư vấn, hỗ trợ thay vì là người kiểm soát, cấm đoán sẽ phản tác dụng
• Cho con một không gian và căn cứ an toàn để học, trú ẩn và tìm thấy bình yên
• Cho con ngủ đủ, hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử, nhất là 1 tiếng trước khi ngủ
• Chỉ dẫn, yêu cầu rõ ràng và 1 việc ở 1 thời điểm
• Lặp đi lặp lại những điều bạn cần con ghi nhớ để không phạm sai lầm chết người, trẻ chưa thể ghi nhớ, quyết định và suy nghĩ như người trưởng thành để không bước vào được.
• Trò chuyện với con một cách khoa học, rõ ràng, dễ hiểu về những vấn đề của bộ não tuổi teen để con hiểu lí do và sẵn sàng hợp tác hơn.
Còn rất nhiều điều về cách não bộ tuổi teen vận hành và những chỉ dẫn dựa trên sự hoạt động của não bộ đó sao cho bố mẹ có thể giúp thời kì tuổi teen là thời kì con đạt được thành tựu cao trong học tập và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Suy cho cùng, mọi thay đổi ở bộ não tuổi teen đều là con dao hai lưỡi, khả năng học tập mạnh cũng tương ứng với khả năng học tập cái xấu nhanh. Việc của bố mẹ là hướng những thay đổi đó đi theo hướng tốt, giảm thiểu những sai lầm nghiêm trọng, cho con cơ hội thực hành, học hỏi, sai lầm, mạo hiểm để xác định nhân dạng của mình.