Review sách: Năm phút nữa thôi

“Năm phút nữa thôi” hay vấn đề muôn thuở “dành thời gian cho con bao nhiêu là đủ”?

 

Khi đọc cuốn sách này xong, mình đã phải lặng mình vài phút và rồi tự hỏi, những cuốn sách tranh này, nó rốt cuộc là sách cho trẻ con hay là sách cho bố mẹ đây? Một cuốn sách vừa đủ hài hước, vừa đủ tình cảm và vừa đủ cả những sâu sắc để ngẫm nghĩ nên bố mẹ hay con chắc cũng đều thích.

 

Từng trang sách thật giống với những gì đang diễn ra trong mỗi ngôi nhà có trẻ nhỏ, khi chúng ta luôn thấy sắp muộn đến nơi rồi, luôn cuống cà kê lên trong khi lũ trẻ lúc nào đủng đỉnh nài nỉ xin thêm 5 phút; khi chúng ta cảm thấy thời gian lúc thì trôi thật nhanh, con cứ lớn vèo vèo còn 5 phút chơi thêm của lũ nhóc sao mà lâu…

 

Khi đọc cuốn sách này mình nhớ đến bài viết “Tuổi thơ tại sao phải vội vã?”. Chúng ta luôn cố gắng thúc giục bọn trẻ phải nhanh lên, muộn rồi, nhưng ý nghĩa của cuộc sống là gì nếu như không phải là tận hưởng nó? Người lớn cứ suốt ngày mơ bỏ phố về rừng, mơ sống chậm, mơ du lịch thảnh thơi. Trẻ con chẳng cần mơ, chúng sống trọn từng khoảnh khắc, hoàn toàn tập trung và hạnh phúc. Nếu ngắm nhìn lũ trẻ chơi một hôm, đắm mình đào đất, xây mương, nghịch nước có lẽ người lớn sẽ phải tự hỏi tại sao cứ bắt trẻ vội vã lướt qua tất cả, kịp cái này, cái kia mà bỏ quên những khoảnh khắc hạnh phúc.

 

Nhưng nếu cứ để trẻ không vội vã thì chúng ta phải dành bao nhiêu thời gian cho chúng mới đủ trong khi chúng ta còn những việc khác phải lo lắng?

Trong khoá học về làm cha mẹ mình từng tham gia, khái niệm “dành thời gian chất lượng” được định nghĩa rất rõ là 15 phút chất lượng còn hơn 15 tiếng hời hợt. Trẻ con cũng cần thời gian một mình, chúng thật sự không cần bố mẹ ở bên chúng quá nhiều.

Mình cảm nhận rất rõ điều này với Thóc, nếu mình chú tâm chơi với con 15 phút ko hề xao nhãng nghĩ đến bất kì việc gì khác hay lướt điện thoại, Thóc sẽ cảm thấy có vẻ đủ và sẵn sàng tự chơi tiếp cho mẹ làm việc khác. Nhưng nếu chơi với Thóc mà cứ thi thoảng lại ngó điện thoại hoặc lơ đãng thì khi mình yêu cầu đứng dậy, bạn ấy sẽ lăn ra ăn vạ đòi mẹ chơi cùng tiếp. Kết quả là mình cứ phải vừa chơi với con vừa làm, mẹ vừa quay đi vài giây thì con lại mè nheo đòi mẹ nên mình làm gì cũng dở dang thành ra mẹ con cáu kỉnh với nhau.

 

Có lẽ vì trẻ con quá nhạy cảm, chúng hiểu được rằng bố mẹ chưa dành sự quan tâm và chú ý cho chúng đủ, chứ không phải là lượng thời gian đã đủ. Bản thân mình cũng cảm nhận rất rõ khi chú tâm chơi với con, sau đó con cho mình nhiều thời gian và sự yên tĩnh để làm việc khác hơn, kết quả là mình vừa tận hưởng việc chơi vừa tận hưởng việc làm việc, sử dụng thời gian hiệu quả hơn.

 

Hồi mình còn đi làm hành chính, thi thoảng mình dành ra 1 buổi để cho Vẹt đi đúng tốc độ của bạn ấy. Tức là bạn ấy đi từ trường về nhà 500m mất 1 tiếng, hết ngó cái này, sờ cái kia. Tức là bạn đi chợ cùng mẹ mất 2 tiếng, hết sờ cái này lại chạm cái kia. Đó là những khoảng thời gian mình quyết định để mình và con không vội vã, mình đi sau con, cho con làm chủ cung đường và tốc độ, mọi việc khác mặc kệ. Và mình thấy, bây giờ, mình nhớ và yêu biết bao những khoảng thời gian đó, những khoảng thời gian khi nhớ lại mình vẫn mỉm cười mình hạnh phúc và cảm thấy thật sự kết nối với con, những khoảnh khắc mà tiếp động lực cho mình, làm mình bớt mệt mỏi hơn trong những giai đoạn gặp khó khăn, mệt mỏi. Và đó cũng là những khoảnh khắc mà mình tiếc là quá ít, sao mình không dành ra nhiều buổi nhẩn nha như thế hơn, để có nhiều kí ức hạnh phúc để mà gặm nhấm hơn khi về già, khi lũ trẻ đã tung bay đi xa?

 

Vậy thì cuối cùng là, chúng ta hiểu về thời gian hơn trẻ hay trẻ hiểu về thời gian hơn chúng ta?

Bài viết liên quan

Định kiến giới ở trẻ

“Con trai mà nhát cáy, khóc cái gì!” “Con gái mà nghịch hơn con trai.” “Thôi mình con trai mình nhường con gái!” “Con trai

Về Tổ Líu Lo

Tổ Líu Lo là kênh thông tin về sách và đọc sách cho trẻ.

Những review và chia sẻ của chúng mình hi vọng sẽ hữu ích để bố mẹ có thể tìm thấy những cuốn sách phù hợp nhất, gợi ý  đọc sách hiệu quả và vui vẻ nhất để nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho bé.

Theo dõi Tổ

Nhận những bài viết mới nhất của Tổ gửi qua email hàng tuần

Chia sẻ bài viết này

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest