Review sách “Học cách học”
Đây là cuốn sách mà bất kì ai làm việc trong lĩnh vực giáo dục, liên quan đến trẻ em đều nên đọc, bắt buộc phải đọc, thật đấy. Vì khi bạn đã đọc rồi, bạn sẽ không bắt trẻ học theo những cách vừa tốn công sức lại vừa không hiệu quả nữa. Việc học vẫn cần cố gắng, cần rất nhiều công sức nhưng sẽ có thể vui vẻ, nhẹ nhàng và kết quả tốt hơn nhiều.
Cuốn sách này tập trung vào một điều thôi: Não bộ học hỏi và ghi nhớ, làm việc như thế nào? Theo mình, giống như trước khi dùng máy móc đọc hướng dẫn sử dụng thì sẽ nhanh chóng, hiệu quả, không phải tù mù thử nghiệm khiến máy hỏng, não bộ cũng cần một “hướng dẫn sử dụng” để khai thác nó hiệu quả. Mà hướng dẫn sử dụng phải dựa trên nền tảng là những nghiên cứu khoa học về thần kinh, tâm lý học chứ không phải là suy đoán của ai đó hay dựa trên kinh nghiệm chỉ với một hoặc một vài trẻ nào đó.
Cuốn sách này được viết một cách cực kì dễ hiểu bởi vì nó áp dụng luôn những nguyên tắc về học tập của não bộ. Cuốn sách này và cuốn “How we learn” về cơ bản cùng nói về một thứ, các ý na ná nhau nhưng cách tiếp cận của cuốn sách này dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ sâu, nhớ lâu hơn hẳn nhờ những ẩn dụ, hình ảnh và cả câu hỏi, ghi nhớ cuối mỗi chương.
Một vài ý cực kì hay ho về cách não bộ học hỏi mà cuốn sách này phân tích bao gồm:
1. Não bộ có hai chế độ làm việc là: “Chế độ tập trung” và “Chế độ phân tán”. Thường thì người lớn luôn than thở khi con trẻ lơ mơ, muốn chúng phải luôn tập trung. Nhưng khi đang ở chế độ phân tán không có nghĩa là não bộ đang không hoạt động mà nó vẫn hoạt động theo một cơ chế khác, kết nối lang thang đến những miền xa hơn trong tâm trí, cho những kiến thức ở những vùng khác nhau trong não bộ có thể tìm đến với nhau, điều mà ở chế độ tập trung đôi khi bị hạn chế, vì chúng ta chỉ tập trung vào chính vấn đề đó khiến chúng ta mắc kẹt. Và thế là câu trả lời bật ra.
“Chế độ phân tán” là lời giải thích vì sao Archimedes lại phát hiện ra lực đẩy của nước khi đang tắm và tại sao không phải lúc nào cứ cắm đầu tập trung, học liên tục sẽ hiệu quả, tại sao có người vừa làm vừa chơi thư giãn mà hiệu quả lại cao. Đơn giản vì một nửa lợi thế của não bộ là “Chế độ phân tán” có được phát huy hay không.
Chế độ phân tán là khi đi dạo, đi chơi, thư giãn… và trẻ lại càng cần chế độ phân tán để học tập hiệu quả.
2. Não bộ thường chỉ có thể ghi nhớ 4 thứ trong một thời điểm, gọi là “tải nhận thức”. Và chúng chỉ nhớ được khoảng 10-15 giây nếu chúng ta không tập trung hoặc nhắc lại để giữ nó trong tâm trí. Đây là lúc chúng ta tưởng là mình nhớ nhưng thực ra sau đó chúng ta đã quên sạch. Chúng ta ghi nhớ thật sự hay nói cách khác một mẩu thông tin được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn khi các tế bào thần kinh chạm vào nhau, liên kết với nhau thành một chuỗi. Và càng lặp đi lặp lại nhiều mẩu thông tin này, sợi dây liên kết càng dày, càng nhớ sâu và lâu. Thông tin càng phức tạp và khó thì càng cần nhiều tế bào liên kết với nhau, sợi dây càng dài hơn.
NHƯNG não bộ giống như một đứa trẻ luôn đòi hỏi mọi thứ phải thú vị, còn nếu không nó sẽ ghi nhớ rất kém. Não bộ con người là trí nhớ hình ảnh, chúng dễ ghi nhớ hình ảnh hơn là ngôn ngữ. Trí nhớ cũng có thể liên kết với các vùng khác như cảm xúc, mùi hương… nên không gian, bối cảnh và cách thức học nếu hài hước, đặc biệt hoặc tạo ấn tượng cũng khiến việc ghi nhớ dễ dàng hơn. Thêm nữa, não bộ cần lặp đi lặp lại, tốt nhất là bằng cách trao đổi, giảng giải cho người khác…
Điều này được áp dụng khá nhiều trong việc học khi bảng sin cos biến thành những bài thơ dễ nhớ hơn hẳn, khi ta nhớ lại một định luật là gắn với hình ảnh thầy giáo hôm ấy đội một cái mũ rất quái dị, khi mà một chuyến đi chơi với quan sát thực tế, trải nghiệm tận tay sờ chạm khiến chúng ta nhớ và hào hứng hơn.
3. Tất cả những thông tin đã được ghi nhớ, những liên kết não bộ đã được hình thành đều có thể truy cập, chúng ta có thể nhớ ra, lôi chúng ra khi cần. Học hỏi là quá trình kết hợp những thứ đã biết để ra những câu trả lời hoặc những cái mới. Nhưng không phải liên kết nào cũng dễ lôi ra như nhau hay dễ hiểu hơn là không phải thứ gì lúc cần nhớ chúng ta cũng có thể nhớ ra, mặc dù chắc chắn nó vẫn ở trong não chúng ta. Có những thông tin chỉ cần hơi nhắc đến chúng ta đã nhớ nhưng có những thông tin phải cần đến rất nhiều gợi ý, rất nhiều cố gắng thì mới có thể nhớ ra.
Về cơ bản, càng dễ lôi các thông tin ra, càng nhớ đến các kiến thức cũ nền tảng thì ta càng học cái mới dễ hơn, tổng hợp kiến thức tốt hơn. Và để dễ lôi thông tin ra thì cần 2 yếu tố:
Thứ nhất, thông tin đó phải tạo được một liên kết thật dày, thứ gì càng to, càng ăn sâu thì càng dễ phát hiện.
Thứ hai, có những gợi nhớ liên quan đến thông tin đó, ví dụ giọng nói của giáo viên, quần áo của giáo viên hôm đó, mùi hương ấn tượng…Những điều này không những giúp ghi nhớ dễ hơn mà nhớ lại cũng dễ hơn.
4. Lúc ngủ không phải lúc não bộ ngừng làm việc mà đó là não nhẩm lại những gì được học ban ngày. Khi học một thứ mới là một liên kết não bộ tạo ra nhưng chỉ là vài mối thắt lỏng lẻo, đến lúc ngủ nó mới thành các đuôi gai khiến những liên kết não bộ trở nên vững chắc hơn, mạnh hơn, khiến bạn dễ dàng nhớ ra hơn khi cần. Nên học ngay trước khi ngủ thường khiến chúng ta nhớ tốt hơn.
Để não bộ không quá tải và luôn có chỗ trống cho những kiến thức mới, ngủ cũng là lúc não bộ có một kẻ dọn dẹp đi dẹp đi những đuôi gai không được sử dụng tới, những liên kết não bộ mà chúng ta không tập trung vào nó. Đó là lí do có những thứ ta tưởng mình đã học, đã ghi nhớ nhưng sau vài ngày, chúng ta đã hoàn toàn quên mất nó. Não bộ có một máy phát hiện nói dối ban đêm, đi loại bỏ hết những thứ mà chúng ta giả vờ học. Đó là lí do vì sao nhồi nhét và ép trẻ học kì thực không có hiệu quả gì, giấc ngủ sẽ quét hết chúng đi.
Và cuối cùng, ngủ cũng là lúc não bộ ở chế độ phân tán.
Cuốn sách còn rất nhiều những thông tin thú vị khác về cách bộ não học tập, bản thân mình đã áp dụng vào việc học của bản thân và thấy đúng là hiệu quả thật. Nếu con cái chúng ta biết được những thông tin này từ sớm, việc học của chúng sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn mà không cần mất quá nhiều công sức. Và nếu bố mẹ và giáo viên biết được những điều này, chúng ta sẽ có thể ngừng những việc học mệt mỏi mà không hiệu như bắt trẻ liên tục chuyển từ lớp học này sang lớp học nọ mà không có thời gian để não ở chế độ phân tán, bắt trẻ giảm thời gian ngủ để học mà chắc chắn là phản tác dụng, bắt trẻ học một cách nhàm chán lặp đi lặp lại…
Học vui và học hiệu quả nhé các bạn <3