Cuốn sách này khá là nổi trong 1 group là “Đồng hành cùng con tuổi dậy thì”. Mình thì khá lâu rồi không thích đọc sách kiểu kinh nghiệm cá nhân vì thấy dù đọc thấy rất hấp dẫn nhưng mỗi đứa trẻ mỗi khác, mỗi tình huống mỗi khác. Mình thích đọc những nghiên cứu về não bộ và phát triển tâm sinh lý ở trẻ, nghiên cứu về kỷ luật hơn vì khi hiểu nguyên nhân và nắm được bản chất, mình sẽ có cái nền và khung chỉ dẫn để đưa ra quyết định đúng hơn là chỉ những kinh nghiệm, những mẹo hay tips này nọ. Bởi lẽ khi không hiểu đúng bản chất của phương pháp và nền tảng khoa học đằng sau đó, mình sẽ rất dễ áp dụng máy móc và gây áp lực, hoang mang, những mẹo thường chỉ đúng với trẻ này nhưng chưa chắc phù hợp với trẻ khác, trong hình huống này ok nhưng tình huống khác lại phản tác dụng.
Tuy nhiên, mình vẫn mua cuốn sách này vì 2 lí do sau:
1) Tác giả là một bà mẹ Việt có bằng Tiến sĩ ở nước ngoài, mình thích nền tảng kiến thức của chị.
2) Cuốn sách hứa hẹn nói nhiều về tuổi dậy thì, vấn đề mình đang quan tâm và chưa tìm được sách nói về tâm sinh lý phù hợp.
Và hôm nay mình đã đọc hết cuốn sách, mình có một số cảm nhận sau:
1) Sách vẫn là những kinh nghiệm, đúc rút của tác giả từ quá trình nuôi chính con mình, tất nhiên trên cơ sở những tìm hiểu khoa học của tác giả và chịu nhiều ảnh hưởng của lối sống cởi mở, tôn trọng trẻ của phương Tây. Rất nhiều những chia sẻ, kinh nghiệm đó mình thấy cực kì tâm đắc và đã gạch chân, sẽ note lại bên dưới cho các bạn.
2) Rất nhiều quan điểm về nuôi dạy con mình đồng tình, trong đó có 3 ý lớn nhất, không mới nhưng được khẳng định lại với bằng chứng khiến mình càng thấy thuyết phục:
• Điều quan trọng nhất khi nuôi dạy một đứa trẻ là tình yêu thương.
• Dạy trẻ cách tư duy, suy nghĩ và tự quản chứ không phải máy photo và con trâu được người khác kéo đi.
• Tôn trọng, làm bạn và cởi mở với trẻ ở tuổi vị thành niên.
Và đây là những đoạn mình tâm đắc trong cuốn sách:
“Bạn cần hiểu rằng những đứa trẻ bước ra từ những gia đình hạnh phúc và lành mạnh đều sẽ trưởng thành. Bạn cần có lòng can đảm và niềm tin vào con.”
“Cách tốt nhất giúp cho trẻ ngoan là làm chúng hạnh phúc. Cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề mà con bạn đang gặp phải là cố gắng chạm vào trái tim chúng. Khi chúng yêu bạn và cảm nhận được tình yêu của bạn, mọi vấn đề sẽ tự được hóa giải.”
“Có một thực tế là chúng ta, những người làm cha mẹ, hầu hết trải qua những chuyện thế này: hồi nhỏ nghịch ngợm, lớn lên vô tâm và luôn lôi thôi luộm thuộm…. Chúng ta đã “trôi” qua thời ông nổi với những mối tình vụng dại và biết bao vấp ngã, thất bại… Khi đó, chúng ta đầu có dừng lại và để tâm xem cha mẹ lo lắng gì về mình. Vậy mà khi làm cha mẹ, chúng ta lại muốn con cái chỉn chu, sống có mục đích, biết quan tâm đến mong muốn và suy nghĩ của cha mẹ. Chúng ta không muốn con cái dại dột, vấp ngã, sai lầm…. Như vậy có vô lí quá không?”
“Bất kể trải nghiệm sống nào, dù là bi thương hay hạnh phúc, cũng đều vô cùng có ích cho cuộc đời mỗi con người.”
“Nếu có chuyện đó (quan hệ tình dục) xảy ra, bố muốn các con thực hiện ở nhà mình, tuyệt đối không bờ bụi, trong xe hay bất cứ nơi đâu ngoài nhà.” (và tác giả cho phép con đưa người yêu về nhà qua đêm khi đã trên 16 tuổi vì dưới 16 tuổi quan hệ tình dục là vi phạm pháp luật)
“Vậy mà có lần tôi thấy mất một số tiền nhỏ, hồi đó con tôi đang học lớp Ba. Tôi hỏi con:
– Con lấy tiền trong túi mẹ hả?
Chưa cần con trả lời, chỉ cần nhìn thái độ lúng túng của con là tôi biết mình đoán đúng. Tôi vội ôm lấy con và nói:
– Ôi mẹ sai rồi, mẹ xin lỗi, mẹ đã không hỏi con cần tiêu gì để con phải tự lấy mà không hỏi mẹ. Con kể cho mẹ nghe xem con đã tiêu những gì nào?
– Con đã mua kem cho mấy bạn và mấy thứ đồ lặt vặt.
– Không sao đâu. Mẹ chỉ lo con mua những thứ không an toàn. Từ giờ, nếu con muốn gì mà không có, con nhắc mẹ để mẹ mua nhé. Ngoài ra, mẹ sẽ cho con tiền tiêu vặt hàng tuần. Nếu con cần gì mà không đủ tiền mua con cũng nhớ nói với mẹ ngay nhé.”
“Các bố mẹ thường phàn nàn con không chịu làm việc nhà hay không chịu học bài nếu không được nhắc nhở. Khi con không hoàn thành việc được giao, chúng bị cho là “lười nhác, vô ý thức”. Suy nghĩ đó khiến bạn lập tức cáu giận và không kiểm soát được cảm xúc. Nhưng nếu bạn tiếp cận sự việc theo cách khác, rằng “hẳn là con không ưu tiên những việc chúng không muốn làm”, có thể bạn sẽ tương tác với con bằng mọt cảm xúc khác, thực tế hơn, nhờ vậy bạn sẽ kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn.” (luôn có lí do đằng sau những hành vi của con, và tìm hiểu lí do này quan trọng hơn và nhìn vào hành vi)
“Hãy nói rằng khi có kiến thức con sẽ không hoang mang và sợ hãi bất cứ điều gì trên đời. Khi hiểu luật, ra đường con sẽ khôgn sợ cảnh sát,; khi hiểu về khoa học, con sẽ không tin vào những điều nhảm nhí phản khoa học và cũng biết sắp xếp cuộc sống của mình một cách khoa học. Có kiến thức, con sẽ vững vàng và tự tin. Kiến thức là thứ tài sản duy nhất không ai có thể lấy đi được của con.”
“Con không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra với mình, cơ hội nào sẽ đến với con và điều gì sẽ thu hút sự quan tâm của con. Hiện tại, con không thể dự đoán thế giới sẽ như thế nào, vì vậy việc lên kế hoạch cho những gì con làm trong tương lai chẳng có ý nghĩa gì.”
“Tôi dạy con trai dịu dàng, biết chăm sóc và thương yêu những người phụ nữ xung quanh mình. Tôi nói với con trai, “Nếu con không thể làm cho những người phụ nữ của mình hạnh phúc thì cuộc đời con sẽ không thể hạnh phúc.”
Tóm lại lâu lâu mình nên đọc một cuốn sách làm cha mẹ, để tự nhắc nhở mình đôi điều thi thoảng mình quên mất, để lại tiếp thêm kiên nhẫn để đồng hành cùng con <3 Sách mình đọc xong đã mang qua Tổ cho mọi người mượn nhé!