“Chào cô chào bác đi con”, đó có lẽ là câu chúng ta hay nói với con nhưng sao bọn trẻ cứ không nhớ, chúng chả bao giờ chủ động chào hỏi và lúc bị bố mẹ nhắc thì lại cáu kỉnh, chào cho qua chuyện thế nhỉ?
Thú thật là mình cũng chả biết đâu, có lẽ như chú Thỏ trong truyện này này, trẻ con thấy chào hỏi thật là phiền phức chăng? Cô Vịt thì chào to quá, làm chú giật hết cả mình, điếc cả tai. Bác Voi thì chào nhiệt tình quá, còn lấy vòi tung chú lên, tưởng chú thích à, chú sợ chết điếng đi được. Cô Lợn với bác Gấu thì chào rồi hôn hít, ôm ấp chú, chú chả thấy tình cảm mà chỉ thấy khó chịu, phiền phức chết đi được. Ồ, hoá ra là thế cơ đấy, hoá ra lũ trẻ thấy phiền với chuyện chào hỏi đến mức bỏ đi thật xa này.
Rồi Sói xuất hiện và nó chả bao dung đến thế, nó thật là bực bội khi thỏ con không chịu chào nó. Nhưng mà, để xem nào, lúc Sói chuẩn bị bắt nạt Thỏ thì bác Voi “chào” nó bằng một cú xoay tít, cô Lợn “chào” nó bằng những cái hôn nhão nhoẹt nước văng tung toé, cô Vịt “chào” nó bằng tiếng quác quác điếc cả tai khiến nó phải chạy vội. Ái chà, chào hỏi hoá ra không phiền phức lắm nhỉ, làm Sói sợ chạy trối chết kìa.
Nhưng mẹ muốn Thỏ chào hỏi à, để lần sau nha. Trẻ con đâu thể thay đổi và quán triệt nhanh thế được, chào hỏi có vẻ cũng hay ho nhưng để con nghĩ thêm đã nha 🙂
Đó là toàn bộ nội dung và bài học hay ho từ cuốn sách siêu hài hước, tâm lí và nhí nhố này đó các bạn. Nếu bạn cảm thấy cuốn sách này thật nhảm nhí, cuối cùng chả dạy bọn trẻ chào hỏi gì cả thì cứ bình tĩnh đi nào, chúng có cả đời để học chào hỏi mà, học nhí nhố một tí thì vui và nhớ “hơi lâu” hơn đấy!