Cải cách giáo dục Việt Nam – sách nên đọc cho cả giáo viên và bố mẹ
Nhìn chung đợt cải cách giáo dục nào cũng rất nhiều người quan tâm và ý kiến. Nhưng một nghiên cứu về cải cách giáo dục thì mình chỉ thấy cuốn sách này.
Cuốn sách này do một chuyên gia người Nhật sang tư vấn về cải cách giáo dục cho Việt Nam viết. Sách có chiều sâu và thực tiễn. Có nhiều cái mình quen với giáo dục Việt Nam rồi thấy bình thường nhưng thực ra không bình thường.
Nhưng điều mình tâm đắc nhất ở cuốn sách này là nó chỉ ra sai lầm và lí do khiến cải cách thất bại cực kì bất ngờ:
1. Sách giáo khoa chỉ là một phần rất nhỏ trong giáo dục. Nếu chỉ dạy theo sách giáo khoa thì rất khó phát huy khả năng của giáo viên và làm giờ học hấp dẫn. Một “vấn nạn” của giáo dục Việt Nam là quá phụ thuộc vào sách giáo khoa. Vụ việc Cánh Diều và bao lần cải cách giáo dục chỉ chăm chăm cải cách sách giáo khoa là minh chứng rõ nhất. Nhiều người vẫn xem sách giáo khoa chính là nền giáo dục, đổi mới sách giáo khoa là đổi mới giáo dục.
2. Giáo viên có quan điểm sai lầm về “tri thức mình cần có” và “tri thức trẻ cần học”. Để dạy trẻ 1, giáo viên cần biết 10. Tuy nhiên, nhiều giáo viên lại chỉ đọc sách giáo khoa, không hề đào sâu kiến thức vì “trẻ không cần học những cái đó”.
3. Đổi mới kỹ thuật giảng dạy như phương pháp làm việc nhóm, dạy học dự án… thường chỉ mang lại kết quả bề nổi nếu giáo viên không thay đổi quan điểm dạy học. Khi dạy, giáo viên phải liên tục suy nghĩ “làm thế nào để trẻ hiểu được điều này” chứ không phải là hoàn thành giáo án. Khi lên giáo án, giáo viên phải luôn nghĩ xem học sinh có thể đưa ra câu hỏi gì, câu trà lời gì, sẽ phản ứng thế nào… thì mới là giáo án tốt. Như vậy, giáo viên sẽ lường trước và có thể ứng phó khi trẻ có những câu trả lời mới mẻ.
4. Có 1 quan điểm mới là “sự sành giáo dục” tức là khả năng của giáo viên khi quan sát từng trẻ sẽ biết trẻ lơ đãng vì đang suy nghĩ hay gặp khó khăn ở đâu, trẻ sắp đạt đến “vùng phát triển gần nhất nào” và cần hỗ trợ gì. Sự sành giáo dục chỉ đạt được nhờ kinh nghiệm, rất nhiều sai lầm, sự chuẩn bị kĩ và tâm huyết của giáo viên.
Nếu giáo viên và bố mẹ nào cũng đọc cuốn sách này, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tranh cãi vô ích về cải cách giáo dục. Và cải cách giáo dục thật sự phải là thay đổi lại mục tiêu và quan điểm giáo dục. Từ sự thay đổi đó, chúng ta sẽ tìm ra cách cách thức và kỹ thuật phù hợp.