Nói với trẻ về người khuyết tật, người yếu thế

 

Hồi đi học ASOD, mình học cùng Lúa, cô bé bị bệnh nên mất thị lực từ lớp 10. Có lần chúng mình đi ăn về giật mình hỏi nhau Lúa đâu, không ai dắt Lúa về à? Đôi khi, chúng mình cũng mải nói chuyện mà quên mất có người cần hỗ trợ. Lúc không thể tự mình trở về, Lúa nghĩ gì? Cô bé có thể tự mình đi xe từ Thái Nguyên xuống Hà Nội học mỗi cuối tuần nhưng luôn cần người đưa đón ở mỗi điểm khởi đầu và kết thúc. Những nội dung học có video hay hình vẽ minh hoạ, chỉ khi Lúa quay sang hỏi mới có người nhớ ra để mô tả cho em hiểu.

Thời gian học cùng Lúa và những điều được học về người khuyết tật, người yếu thế khiến mình lần đầu tiên nhìn nhận rõ ràng về một nhóm người mà thường mình hay bỏ qua.

Hôm trước mình đi học “Triết học về giới”, thầy giáo kể hồi Nick Vujicic sang Việt Nam diễn thuyết với thông điệp “Tôi làm được, bạn cũng thế” rất nhiều người vỗ tay. Những người vỗ tay là những người còn tay mà vỗ. Mà Nick sống ở Úc, một đất nước phúc lợi xã hội tốt, chính sách hỗ trợ người khuyết tật cũng rất tốt trong khi ở Việt Nam, vỉa hè đến người đi bộ đi còn khó nói gì đến xe lăn hay những người khuyết tật vận động. Thành công của anh ấy, là thành công của một người khuyết tật ở Úc.

Tỉ lệ người khuyết tật là 10% nhưng bạn có thấy họ ở những nơi công cộng không? Họ ở đâu? Khi mà cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ người khuyết tật thiếu thốn, họ vượt lên khó khăn đến thế nào?

Hôm nay tụi lớp 2 đọc sách “Bàn tay kì diệu của Sachi” chúng mình xem video về cậu bé không chân đá bóng, mình hỏi chúng là nếu có bạn không chân xin đá cùng, các con có cho không? Lỡ bạn làm đội thua thì sao? Thật may khi chúng nói, thua thì thôi, đá vui thôi mà cô.

Rồi khi xem video về Nick, họ của chú khá đặc biệt nên chúng bảo là chú Nick xúc xích. Cô bé Bơ đã dõng dạc nói, người ta khuyết tật đã khó khăn rồi, mình còn gọi họ chế nhạo họ sẽ buồn hơn đấy.

Khi hỏi về cô bé Sachi, một bên tay không có ngón có khó khăn gì không, chúng bảo không. Mình đã thử thách chúng cởi áo, mặc áo khoác, tưởng tượng cởi quần xem thế nào. Rồi thử viết tên mình bằng chân nếu hai tay bị bại liệt như thầy Nguyễn Ngọc Kí. Rồi thử học ngôn ngữ kí hiệu chỉ để thể hiện tên mình. Đứa nào cũng kêu khó thế cô. Thấy người ta làm thì dễ, vì họ phải học rất lâu, nhưng nếu tự nhiên khuyết thiếu, sẽ thấy rất khó khăn.

Rồi chúng mình thử tìm xem, xung quanh có những cách nào hỗ trợ người khuyết tật. Từ thang máy đến nút bấm thang máy. Từ chân tay giả đến các phần mềm sách nói, đọc mệnh giá tiền và tên người gọi…. Từ chữ nổi đến ngôn ngữ kí hiệu…. Từ thiết bị trợ thính không lọc âm thanh có thể khiến người nghe khó xử lí và căng thẳng thế nào, từ tay chân giả đắt đỏ và không làm được các vận động khó thế nào…

Hôm qua thì lớp 4,5 đọc về giàu và nghèo, mình đã hỏi chúng nó một người giàu hay nghèo là do họ tài giỏi nỗ lực hay may mắn? Chúng nó bảo là do người đó giỏi. Nhưng khi xem GDP của Việt Nam từ 1986 đến nay, mình hỏi có phải nước mình tự nhiên sinh ra toàn người giỏi nên giàu lên không? Sự giàu có và thành công của mỗi người có rất nhiều may mắn để dễ dàng hơn, may mắn sinh ra ở một nước hoà bình, chính sách kinh tế tốt chứ không phải bao cấp đóng cửa, may mắn không khuyết tật, không nghèo đói đến nỗi phải bỏ học đi làm kiếm tiền…. Sự nghèo của một người cũng không chỉ do họ kém hay không nỗ lực, nếu chính sách kinh tế kém, tỉ lệ thất nghiệp cao thì là lỗi của ai? Chính sách ưu tiên cho một nhóm mà gây bất lợi cho nhóm khác thì sao? Nhìn về giàu và nghèo thế nào, để có cái nhìn bao dung hơn, ít kì thị hơn, khiêm nhường hơn và biết san sẻ hơn.

Nên thật ước ao, những đứa trẻ sẽ lớn lên với đầy sự biết ơn, trân trọng cho những may mắn mình có và đầy bao dung cho những những người kém may mắn, yếu thế hơn ❤

Ảnh là những cuốn sách có nhân vật chính có khiếm khuyết nhé ❤

Một số cuốn sách khác:


Bài viết liên quan

Định kiến giới ở trẻ

“Con trai mà nhát cáy, khóc cái gì!” “Con gái mà nghịch hơn con trai.” “Thôi mình con trai mình nhường con gái!” “Con trai

Về Tổ Líu Lo

Tổ Líu Lo là kênh thông tin về sách và đọc sách cho trẻ.

Những review và chia sẻ của chúng mình hi vọng sẽ hữu ích để bố mẹ có thể tìm thấy những cuốn sách phù hợp nhất, gợi ý  đọc sách hiệu quả và vui vẻ nhất để nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho bé.

Theo dõi Tổ

Nhận những bài viết mới nhất của Tổ gửi qua email hàng tuần

Chia sẻ bài viết này

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest