Hôm trước mình có kể về cuốn sách và video “Willy đi đâu thế?” có chứa những chi tiết phản giáo dục mà trước đây mình không nhận ra, mình lúc nào cũng khen cuốn đó hay và giới thiệu khắp nơi cho đến khi đi học về phát triển. Đó chính là điều đáng sợ trong khi chọn sách cho các bạn nhỏ, những cái độc hại hiển thị rõ ràng thì rất dễ nhận ra, mình luôn tự tin là mình chọn sách khá chuẩn cho đến khoảnh khắc đó, mình mới biết rằng có rất nhiều ngầm ẩn độc hại mà mình đã không nhận ra.
Hôm qua mình đọc cho bạn Thóc cuốn sách “Sư tử chỉ thích nói không” này, mình tự nhiên giật mình nhận ra nó có chứa một ngầm ẩn rất độc hại. Chú sư tử con chỉ thích nói từ không, lúc nào cũng nói không cho dù ý của chú là có hay không. Vì thế, chú làm những chú ngựa vằn hoảng sợ, cô báo đã đưa chú đến chỗ cô bạch tuộc. Cô bạch tuộc không trừng phạt gì sư tử cả mà chỉ ôm chú thật chặt, thơm vào má chú những cái thơm dính chắc khiến chú sợ quá phải bảo “Không, xin cho cháu về nhà.”
Vậy thì vấn đề ở đây là gì? Sư tử đâu có bị đánh, bị mắng, bị doạ dẫm gì đâu. Nhưng chúng ta bỏ quên mất nguyên tắc an toàn cá nhân, nguyên tắc về sự đồng thuận. Chúng ta dạy trẻ về an toàn thân thể và giáo dục giới tính rằng chúng có quyền với cơ thể mình, người khác muốn chạm vào phải được sự đồng ý của chúng. Chúng ta nói về bong bóng không gian cá nhân bao quanh trẻ và chúng phải tôn trọng không gian và cơ thể người khác. Nhưng ở đây, sư tử bị thơm dù chú chưa hề đồng ý cho cô bạch tuộc ôm và thơm chú, chú cảm thấy sợ hãi. Đây không phải là một cách giáo dục nhẹ nhàng và hài hước gì cả mà là một hành động quấy rối tình dục thực sự.
Mô típ tương tự mình cũng giật mình nhận ra trong cuốn “Chào cô chào bác đi con” mà mình từng giới thiệu trong số các sách về chào hỏi cho trẻ. Bạn thỏ lúc nào cũng “được” ôm, “được” thơm, “được” chào thật to lúc gặp gỡ như một cách chào hỏi và bạn chẳng thích gì cả. Cho đến khi sói định ăn thịt thỏ, các cô bác dùng chính những cái ôm, cái thơm, câu chào đó khiến con sói sợ quá chạy mất và thỏ nhận ra chào hỏi cũng không phải là cái gì tệ và cân nhắc về việc nên chào hỏi người khác. Đúng là chào hỏi không tệ nhưng việc bị chào hỏi bằng việc ôm thơm mà mình không đồng thuận luôn luôn tệ và trẻ được quyền, nên từ chối, nói không. Cách tiếp cận của cuốn sách rất rất có vấn đề nhưng mình không nhận ra, còn cho rằng nó hài hước vì mình xem việc ôm thơm trẻ là thể hiện tình yêu, chẳng cần hỏi chúng có đồng ý hay không. Dù những cuốn sách thế này chẳng có tình tiết rùng rợn, bạo lực nào như đánh sói, ăn thịt sói nhưng nó cũng cực kì mâu thuẫn với những giá trị khác mà chúng ta muốn trẻ coi trọng.
Vì từng đọc những câu chuyện về các bạn nhỏ bị xâm hại tình dục lúc còn bé và bản thân mình từng bị quấy rối trên xe khách hè năm nay nên mình biết, sợ hãi khi bị chạm vào lúc không đồng thuận kinh khủng như thế nào. Mình chỉ là bị người khác đặt tay lên đùi nhưng cả ngày hôm ấy mình vẫn bị ghê ghê, ám ảnh cứ như bàn tay ấy vẫn ở đấy, mình thấy mình bẩn thỉu, mình nghẹn ứ chẳng dám lên tiếng gì dù mình 32 tuổi rồi, đọc và biết rất nhiều về quấy rối tình dục rồi. Vậy một đứa trẻ bị ôm, bị thơm để “kỉ luật ngọt ngào” thì sao? Nghe chẳng có gì là hình phạt nhưng hậu quả có khi còn đáng sợ, dai dẳng và có sức phá huỷ tự trọng, tự tin của một con người hơn một trận quát mắng.
Có bạn sẽ bảo rằng trẻ con nó có nghĩ sâu xa thế đâu nên chẳng sao cả. Nhưng mình nghĩ, đó có lẽ cũng góp phần vào lí do vì sao quấy rối tình dục lại phổ biến như thế, đến post đăng tin về học bổng của đại sứ quán Mỹ mới tuần này còn là một bức ảnh quấy rối nhưng nếu không phải là có hành vi giao cấu và hậu quả nghiêm trọng, mọi người vẫn cho rằng có mất mát gì đâu, cứ làm quá. Nhưng mình nhớ mãi mình đã rơi nước mắt khi đọc tâm sự của một cô gái bị quấy rối tình dục rằng điều đó đã huỷ hoại khủng khiếp niềm tin rằng mình xứng đáng được sống tử tế, được tôn trọng, được hạnh phúc, được yêu thương của cô đến thế nào.
Hôm qua mình đã nhận ra, dù chúng ta chú trọng giáo dục trẻ những giá trị mà tương đối khác lạ với truyền thống cũ bao nhiêu thì đôi khi vẫn chẳng có tác dụng chính là vì những cuốn sách, những video, những lời nói, những câu chuyện lại vẫn vô tình củng cố những suy nghĩ cũ mà thật khó nhận ra. Như hôm đọc truyện và cho lũ trẻ xem phim giáng sinh, mình cũng mới ngẫm lại vì sao phải ngoan mới được nhận quà của ông già Noel và chúng ta có nên tiếp tục nói với trẻ như thế không.
Mình nhớ mấy buổi đầu, các giảng viên có hỏi lí do vì sao đi học, có bạn nói ra rất nhiều băn khoăn và bảo muốn tìm câu trả lời. Các giảng viên đã bảo chúng mình rằng, có lẽ chúng mình sẽ chẳng có được kiến thức, câu trả lời đó đâu, chỉ là chúng mình sẽ có chất liệu để suy ngẫm và suy tư nhiều hơn, cẩn trọng hơn. Hôm nay mình thấy điều đó thật đúng, những khoảnh khắc mình giật mình và ngẫm xem có gì đó sai sai đó, mình tin chính là điều các giảng viên chờ đợi ở chúng mình sau khi học, là những người cẩn trọng hơn khi nói và làm bất kì việc gì. Và mình xin cảm ơn bản thân mình vì đã đi học, đã biết chậm lại, cẩn trọng và nghĩ kĩ hơn trước khi đọc một cuốn sách, nói một điều gì đó với trẻ, vì biết những ngầm ẩn vô tình có quyền lực đến thế nào đến suy nghĩ và cuộc đời của một người.