Đọc sách không chỉ để cho vui mà để học tốt và hiểu biết, khi đọc cái gì đó, trẻ cần có khả năng phân tích và phản biện đúng sai, hình thành quan điểm riêng của mình về vấn đề đó. Đấy chính là KĨ NĂNG ĐỌC.
Kĩ năng đọc không phải là một kĩ năng có thể xây dựng chỉ sau vài ba khóa học ở đâu đó, nó là quá trình phát triển lâu dài và nền tảng được xây dựng từ sơ sinh, ngay từ trong gia đình. Dưới đây là một vài gợi ý về việc xây dựng và phát triển kĩ năng đọc dần cho trẻ theo từng độ tuổi cho bố mẹ tham khảo. Tuy nhiên, những mốc thời gian này không phải là bất di bất dịch với mọi đứa trẻ, mỗi đứa trẻ sẽ phát triển theo lộ trình riêng.
0-12 tháng
Bắt đầu với chạm vào sách vải hay sách bìa cứng
Nhìn và chạm vào các bức tranh trong sách
Phản hồi khi nghe đọc truyện bằng cách bi bô, cố gắng nói/ hét lên
Giúp lật trang sách
1-2 tuổi
Nhìn vào tranh và đọc tên những thứ quen thuộc như chó, cốc, bóng…
Trả lời được tên các hình quen thuộc trong sách khi được hỏi: “Đây là gì?”
Nhận ra bìa của những cuốn sách yêu thích
Thuộc các từ trong các cuốn sách yêu thích
Bắt đầu đóng vai khi đọc bằng cách tự lật trang và sáng tạo câu chuyện
3-4 tuổi
Biết cách để cầm giữ sách
Hiểu rằng các từ được đọc từ trái sang phải và trang sách được đọc từ trên xuống dưới
Bắt đầu chú ý đến những từ láy, từ có vần điệu
Kể lại câu chuyện
Nhận ra một nửa số chữ trong bảng chữ cái
Bắt đầu nhận ra âm tương ứng với chữ cái (như chữ “b” đọc là âm “bờ”)
Bắt đầu nhận ra tên của mình nếu gặp trong sách và những từ thường gặp, những kí hiệu hay logo
5 tuổi
Hiểu mỗi chữ cái có âm tương ứng thế nào
Có thể đọc các từ mới bằng cách thay đổi âm đầu như mèo, bèo…
Bắt đầu nhận ra từ được nghe là chữ nào trong sách
Phát âm những từ đơn giản
Bắt đầu nhận ra một vài từ thông dụng mà không cần được nghe âm của các từ đó
Hỏi và trả lời được các câu hỏi ai, cái gì, ở đâu, khi nào, vì sao, như thế nào về câu chuyện
Kể lại câu chuyện theo thứ tự, sử dụng từ hoặc tranh
Dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo
Bắt đầu đọc và muốn đọc sách để tìm thông tin hoặc giải trí
Sử dụng ngôn ngữ/ cách nói trong câu chuyện trong suốt thời gian chơi hoặc trò chuyện
6-7 tuổi
Học các quy tắc phát âm
Tăng liên tục số lượng từ quen thuộc có thể nhận ra
Tăng tốc độ đọc và sự lưu loát
Nhận ra và hiểu những từ chưa biết qua ngữ cảnh
Tự đọc lại một từ hoặc câu nếu cảm thấy chưa đúng/ hợp lý
Kết nối những điều đang đọc với kinh nghiệm cá nhân, cuốn sách khác đã từng đọc và những sự kiện thế giới
9-10 tuổi: Từ học để đọc đến đọc để học
Đọc chính xác các từ khó
Sử dụng việc đọc cho nhiều mục đích: thư giãn, học hỏi điều mới…
Khám phá những thể loại sách khác nhau
Diễn tả cấu trúc, nhân vật, vấn đề, cách giải quyết và mạch của câu chuyện
Nhận ra và tổng hợp chuỗi sự kiện trong câu chuyện
Nhận ra ý chính và bắt đầu nhận ra những ý phụ
Suy luận bằng cách sử dụng nội dung đang đọc và những kiến thức đã biết
So sánh và kiểm định thông tin từ nhiều nguồn khác nhau
Biết liên kết đến bằng chứng khi trả lời các câu hỏi về vấn đề đang đọc
Hiểu biện pháp so sánh, ẩn dụ và các biện pháp khác
Cấp 2 và cấp 3
Tiếp tục mở rộng vốn từ và đọc những nội dung phức tạp hơn
Phân tích nhân vật phát triển thế nào, tương tác với những nhân vật khác và phát triển cốt truyện
Xác định được chủ đề của câu chuyện và phân tích cách chúng phát triển
Sử dụng bằng chứng từ nội dung đang đọc để hỗ trợ cho những phân tích
Nhận diện hình ảnh và biểu tượng
Hiểu những mỉa mai, châm biếm, trào phúng và nói quá
Bài viết này được dịch từ 1 Tổ chức rất uy tín mà mình tự dưng lại quên mất tên mà không tìm lại được nguồn bài viết gốc 😞
Mình sẽ cố gắng viết bài về các tips để phát triển các kỹ năng đọc cho trẻ theo từng độ tuổi sau nhé!