Hai cuốn sách “Sói đa cảm” mình mua đã lâu rồi, mua về cứ để trên giá hôm nay nhìn thấy thử đọc xem nó thế nào thì chao ơi buồn cười quá. Và nó là cảm hứng cho mình nghĩ đến các cuốn sách kiểu lật ngược truyện cổ tích như thế này. Vẫn là những nhân vật cũ trong truyện cổ tích, chỉ thay một tình tiết nào đó thôi, câu chuyện đã diễn ra theo cách hoàn toàn khác và cực kì buồn cười.
Ví dụ, trong sói đa cảm, con sói nhỏ bắt đầu cuộc sống tự lập. Nó ra khỏi nhà với danh sách những món đồ ăn là: dê mẹ và 7 chú dê con, ba chú lợn con, cô bé quàng khăn đỏ… Nhưng khi gặp đàn dê thì dê mẹ bảo là “phải ăn thịt tất cả chúng tôi nếu không một ai đó còn sống sẽ rất đau buồn.” Vốn đa cảm nên sói ta tha cho nhà dê. Gặp cô bé quàng khăn đỏ thì cô bé xin cho cô bé đến chào bà đã vì “bà cháu nói cháu là mặt trời của bà”. Trước khi sói ra đi tự lập, bà sói cũng tạm biệt cậu như thế nên sói nghĩ đến bà, tha cho cô bé quàng khăn đỏ. Cứ như thế, sói đói ngấu mà tha hết cho danh sách đồ ăn của mình. Cuối cùng, chú gặp một kẻ to béo bất lịch sự đuổi chú, vốn đói và uất ức vì mình “đa cảm” quá, sói ăn thịt luôn kẻ to béo đó. Ai dè kẻ to béo đó chính là gã yêu tinh chuyên bắt và ăn thịt trẻ con. Sói đã tha cho tất cả lũ trẻ và đổi lại danh sách bữa ăn của mình là “yêu tinh”.
Hay trong câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ không thấy đường”, vì không thấy gì nên cô bé quàng khăn đỏ tưởng sói là một chú cừu tốt bụng, còn hái hoa tặng sói, cứu sói khi sói ngã xuống hố. Sói thấy cô bé tốt bụng quá nên ân hận, dẫn cô bé đến tận nhà bà rồi mới yên tâm trở về.
Còn trong truyện “Khi công chúa tỉnh giấc lúc nửa đêm” vì quái vật đã tỉnh giấc, thay vì chờ hoàng tử đến cứu, cô công chúa đã tự mình đi làm cho quái vật ngủ lại.
Túm lại là câu chuyện nào cũng hài hước, buồn cười, nhân văn và mình thấy là chất liệu để trẻ sáng tạo, phản biện rất tốt. Các bạn thử đọc xem nhé!