Hôm trước thấy 1 bài mọi người thảo luận học văn để làm gì nên xin phép chia sẻ một đoạn mình lược dịch từ khung chương trình giáo dục ngôn ngữ của một bang ở Canada (như ở mình học tiếng Việt). Đây là phần mở đầu của tài liệu về mục tiêu học ngôn ngữ. Mình nhận ra giáo dục ngôn ngữ là một câu chuyện rộng và sâu hơn rất nhiều! Bạn nào muốn tìm hiểu đầy đủ thì link tiếng Anh ở đây:
[http://www.edu.gov.on.ca/eng/curriculum/elementary/language18currb.pdf](http://www.edu.gov.on.ca/eng/curriculum/elementary/language18currb.pdf?fbclid=IwAR2fkRjuNZoNC077AvIiwbjRatvd8YVqteZOoibP6lUxpujQKg2Az5NrotI)
Ngôn ngữ không chỉ là biết đọc và biết viết, đó còn là về cách chúng ta giao tiếp thế nào trong xã hội. Đó là những mối quan hệ và thực hành xã hội, về kiến thức, ngôn ngữ và văn hoá.
Ngôn ngữ là tự do.
Ngôn ngữ bao gồm các kiến thức và kĩ năng về nghe, nói, đọc, viết, xem và trình diễn. Có 4 mảng kỹ năng chính là giao tiếp miệng (nghe – nói), đọc, viết và thông hiểu truyền thông (chủ yếu là xem và trình diễn – trình bày).
Phát triển ngôn ngữ là trung tâm trong sự phát triển kiến thức, xã hội và cảm xúc của trẻ. Khi trẻ học ngôn ngữ ở cấp tiếp học, chúng không chỉ học cách thành thạo những kĩ năng. Chúng học cách hiểu giá trị của ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ có trách nhiệm. Chúng học cách thể hiện cảm xúc, ý kiến và khi trưởng thành, sử dụng ngôn ngữ để đưa ra những ý kiến của chúng với những quan điểm và nghiên cứu chứng minh. Chúng nhận ra rằng ngôn ngữ có thể sử dụng cho nhiều mục đích và có nhiều dạng thức ngôn ngữ khác nhau để phù hợp với những mục đích và khán giả khác nhau. Chúng học cách sử dụng ngôn ngữ trang trọng, hình thức phù hợp để tranh biện và viết luận, ngôn ngữ kể chuyện cho những câu chuyện, ngôn ngữ biểu tượng cho thơ ca, ngôn ngữ kĩ thuật cho những hướng dẫn. Trẻ hiểu rằng ngôn ngữ có thể được sử dụng cho những mục đích khác nhau, cả trang trọng, hình thức lẫn bình dân, thân mật. Chúng cũng hiểu rằng ngôn ngữ là cần thiết và cực kì quan trọng để giao tiếp, thu nhận thông tin và giải trí.
Ngôn ngữ là nền tảng của suy nghĩ, giao tiếp và học hỏi. Học sinh cần kĩ năng ngôn ngữ để thu nhận ý tưởng và kiến thức, để giao tiếp xã hội, để phục vụ việc học và giải trí, để thể hiện bản thân rõ ràng và bộc lộ những điều mình học hỏi được. Học để giao tiếp rõ ràng và chính xác, cả giao tiếp miệng và viết, thông qua truyền thông sẽ giúp học sinh tồn tại trong thế giới bên ngoài trường học.