Ngày trước mình có tham gia một lớp Kỷ luật tích cực do chị Nam Phương đang theo học Tiến sĩ tâm lý học ở New Zealand hướng dẫn. Khoá học do Khoa Tâm lý học Đại học Hoa Sen liên kết với New Zealand, chương trình học là do chính phủ New Zealand xây dựng để giáo dục miễn phí cho tất cả bố mẹ chuẩn bị sinh con.
Khoá học đó mình đã học được rất nhiều nhưng điều mà mình nhớ nhất là: nền tảng đầu tiên để xây dựng Kỷ luật tích cực là gắn kết với con. Bài học đầu tiên và được nhắc đi nhắc lại là dành thời gian không cần nhiều nhưng chất lượng, nói yêu con, hỗ trợ con và có mặt khi con cần.
Cơ sở của bài học này là khi đứa trẻ gắn kết với bố mẹ, chúng sẽ cảm thấy an toàn, vui vẻ, tự tin, chúng biết đi đâu và làm gì khi cần hỗ trợ, chúng sẽ bớt hành vi ăn vạ, la hét, khóc lóc chỉ để thu hút sự quan tâm và kêu gọi sự hỗ trợ của bố mẹ. Chúng hiểu là chỉ cần đến bên bố mẹ hay gọi thôi, bố mẹ sẽ có thể dành thời gian cho mình và giúp mình.
Và khi một đứa trẻ gắn kết với bố mẹ, chúng sẽ sẵn sàng chia sẻ, nói chuyện với bố mẹ khi chúng gặp khó khăn hay cần hỗ trợ gì. Chúng cũng sẵn sàng nói chuyện với bố mẹ, lắng nghe bố mẹ nói. Và vì gắn kết và yêu thương, chúng sẽ dễ dàng chấp nhận những lời khuyên, chỉ dẫn của bố mẹ hơn. Khi không kết nối, bố mẹ chỉ dành thời gian và nói chuyện khi có vấn đề cần khuyên can, chúng sẽ vô thức chống lại mọi lời khuyên của bố mẹ, dù có thể chúng biết là đúng.
Và điều quan trọng là sư gắn kết này xây dựng càng sớm càng dễ. Trẻ càng nhỏ thì càng gắn kết với bố mẹ, thích ở bên bố mẹ, thích nói chuyện và làm cùng bố mẹ hơn. Khi sự gắn kết chắc chắn, trẻ lớn dần sẽ dần độc lập và tách khỏi bố mẹ hơn nhưng sợi dây thì vẫn còn.
Thế nên tối nay, hãy ôm con, nói yêu con, dành thời gian đọc truyện hay làm gì đó cùng con nhé. Mỗi ngày chỉ cần 15 phút chất lượng thế thôi cũng đủ rồi.