Hôm trước trò chuyện về cái đẹp, thầy mình bảo là có những thứ chúng ta thường dễ thấy đẹp và muốn bảo vệ, như gấu trúc hay Sơn Đoòng. Nhưng có những thứ thường không dễ thấy đẹp, ví dụ như bãi sình lầy hay giun sâu, nên ta không quan tâm bảo vệ, cho dù nó thực sự quan trọng. Khi đó, nếu vừa quan sát vừa biết các thông tin về nó, ta sẽ nhìn nó khác đi và cảm nhận được sự quan trọng, thú vị của nó và thấy nó đẹp, có hành động và thái độ bảo vệ hợp lý hơn. Đó chính là cảm nhận cái đẹp sâu hơn, thế giới quan hài hoà hơn, sống sâu sắc và ý nghĩa hơn.
Mình luôn muốn bồi đắp cho các bạn nhỏ khả năng cảm nhận cái đẹp sâu hơn, cho dù với thứ đã dễ thấy đẹp sẵn như nguyệt thực. Mình muốn ngoài trải nghiệm quan sát bằng kính thiên văn, lũ nhóc sẽ hiểu nguyệt thực là gì, khi nào, sao mặt trăng lại có màu đỏ, sao k có nguyệt thực hàng tháng… Với một vài người đó là những kiến thức rất sơ đẳng và họ nghĩ ai cũng biết nhưng với mình, tư duy không gian rất kém, mất 2 ngày đọc tài liệu và xem đủ video mình mới hiểu mấy điều cơ bản đó, đúng kiểu đi học lại từ đầu như một đứa trẻ.
Một đêm trở thành hội làng đúng nghĩa khi ngoài kính BTC chuẩn bị, cư dân cũng mang kính ra góp vui để có tận 10 kính quan sát. Một đêm thấy tụi nhóc và bố mẹ ngồi xem những video mình biên tập, ố à, bạn nào chưa biết đọc sub thì bố mẹ đọc và giải thích cho. Một đêm để ngoài việc thấy mặt trăng qua kính thiên văn thế nào, lũ trẻ hiểu vài điều về mặt trăng, về nguyệt thực, về đặt chân lên mặt trăng và bồi đắp một sự tò mò, hứng thú hơn với thế giới ngoài kia, còn biết bao điều thú vị chờ chúng khám phá.