Hôm nay ở lớp của con mình, sau khi cho con xem phim hoạt hình về sự tích trung thu, cô giáo nói:
“Mẹ luôn yêu chúng mình, cho dù thi thoảng mẹ có mắng, có đánh chúng mình cũng là vì yêu và muốn tốt cho chúng mình.”
Lời cô nói làm mình nhớ đến 1 cô bạn mình, bị người tình đánh nhưng vẫn muốn tiếp tục bên nhau. Một cô bạn khác của mình bị người yêu đánh còn bảo anh ấy đánh nó là đúng, vì nó sai. Mình ngày ấy k hiểu vì sao những người con gái đó, học hành giỏi giang, đi khắp thế giới, thu nhập nhiều hơn mình, có vẻ hiện đại và thời thượng mà lại chấp nhận bị đánh nhiều lần như thế. Hôm nay mình chợt hiểu.
Tâm lý học có chứng minh là những dấu ấn tuổi thơ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời chúng ta khi trưởng thành. Mình tin là những đứa trẻ lớn lên trong bạo lực “nhân danh tình yêu” sẽ dễ có xu hướng chấp nhận bạo lực “nhân danh tình yêu” trong các mối quan hệ khác sau này, nhất là với bạn đời.
Tại sao chúng ta sẵn sàng nhảy dựng lên khi nghĩ sau này con rể đánh con gái mình nhưng lại cho rằng mình đánh con là đúng?
Nếu yêu, thì sẽ không làm tổn thương nhau. Nếu yêu, thì sẽ tìm cách. Yêu một cô gái mà không thích cách cô ấy ăn mặc quá hở hang thì nên nói chuyện, chứ k phải dùng nắm đấm. Yêu một đứa trẻ mà không đồng ý cách nó trả lời mình, thì nên trò chuyện, chứ k phải dùng bạt tai. Yêu là phải tìm cách, dù khó khăn hơn, để giải quyết vấn đề, chứ k phải dễ dãi vung tay lên, mà chưa chắc đã giải quyết được vấn đề.
Đừng để con cái chúng ta lớn lên, chấp nhận bị bạo lực, vì nghĩ rằng đó là tình yêu. Đó không phải tình yêu.