Hôm trước nhìn thấy trang sách này, mình đã nghĩ ngay đến định kiến giới: con trai chơi tàu hỏa, con gái chơi búp bê. Định kiến giới xuất hiện ở khắp nơi, quảng cáo, một hình ảnh, một status, một câu nói khi chuyện trò…Những định kiến giới này âm thầm ngấm ngầm thấm sâu vào tư tưởng của chúng ta, khiến chúng ta và con chúng ta sau này sẽ có nhiều suy nghĩ sai lệch, kìm hãm nhiều khả năng và cơ hội, chấp nhận nhiều thiệt thòi như việc con gái không thể nghịch ngợm, không thể làm kĩ sư, con trai không thể khóc nhè, phải gánh vác trách nhiệm kinh tế…. Những định kiến này âm thầm làm sai lệch mà ta không hề nhận ra vì nó nằm sâu trong tiềm thức, ta nghĩ nó là điều hiển nhiên. Để xóa bỏ, thoát ra khỏi định kiến này rất khó khăn và cần nhiều thời gian.
Việc định kiến giới xuất hiện trong các sách tranh thiếu nhi cực kì đáng lo ngại vì các bạn nhỏ sẽ đọc và dần chấp nhận định kiến này. Như cuốn sách này, là một cuốn sách về giáo dục giới tính nhưng lại mang định kiến: con trai thì chơi tàu hỏa, ô tô, con gái thì chơi búp bê. Vậy những bé gái thích chơi ô tô tàu hỏa, những bé trai thích chơi búp bê thì sao? Sẽ bị bảo là “như con trai” “như con gái” sao, là bất bình thường sao? Rồi mở rộng ra, nếu bé trai thích làm nghệ sĩ múa, bé gái thích đấu vật thì sao? Những đứa trẻ thuộc giới tính thứ 3 thì sao?
Định kiến giới còn xuất hiện tinh vi dưới nhiều hình thức khác trong sách tranh thiếu nhi mà chúng ta đọc cho con hàng ngày. Con trai thì thường được vẽ vạm vỡ hơn, con gái thì mảnh mai hơn, con trai thì mặc màu xanh, con gái thì màu hồng, con trai thì tóc ngắn, con gái thì tóc dài, con trai thì nghề nghiệp bác sĩ, kĩ sư, con gái thì thường là giáo viên, bố thì đi làm, việc đón con hoặc trò chuyện, chơi với con đa số là mẹ… Nhân vật chính trong sách thường là con trai, nhân vật là con vật thì thường được gọi là chú hươu, chú voi chứ ít khi là cô hươu, cô voi. Các sách về danh nhân thì đa số là nhắc đến nam giới, rất ít khi là phụ nữ. Vô vàn điều khác mà nếu tỉ mỉ tìm mình thấy rất đậm nét, nhất là trong sách ehon – sách tranh Nhật Bản , có lẽ xuất phát từ văn hóa Nhật Bản vẫn còn nặng trọng nam khinh nữ, phụ nữ ở nhà và chăm con nhiều.
Vậy giải pháp bây giờ thế nào, chẳng lẽ chúng ta không đọc những cuốn sách có định kiến giới đó cho con nữa? Rất nhiều sách mình chọn cho Tổ mà mình cực kì yêu thích là sách có định kiến giới rất rõ. Như cuốn mình chụp đây, dù ngay khi giở ra mình thấy ngay định kiến giới, mình vẫn mua về vì đó là cuốn sách tranh duy nhất mình thấy giải thích rất dễ hiểu về việc vì sao thai nhi là bé gái hay bé trai. Mình sẽ chọn khắt khe hơn những sách có định kiến giới, nhưng không thể hoàn toàn loại bỏ vì có những cái hay trong sách không thể không thừa nhận.
Vì vậy, việc loại bỏ hoàn toàn những sách này không khả thi. Chưa kể định kiến giới còn xuất hiện ở khắp nơi khác. Mình chọn những cách sau:
• Đọc sách với tư duy phản biện: khi mình nhận thấy có những dấu hiệu định kiến giới trong sách, mình sẽ dừng lại để trò chuyện với con, phân tích với con. Không phải điều gì chúng ta thấy trong sách cũng hay và đúng, có những điều chưa phù hợp với chúng ta. Cùng với việc phân tích đó là cổ vũ con thể hiện bản thân đúng như con mong muốn, không đóng khuôn trong giới tính của con.
Điều này mình cũng áp dụng với những cuốn sách như truyện cổ tích, những cuốn sách mà mình thấy cách cư xử của nhân vật chưa thật phù hợp, dịch thuật chưa thật ổn…. Nói chung, một chút khiếm khuyết của cuốn sách đôi khi lại là cơ hội để chúng ta tư duy, trao đổi và phản biện. Khi bắt gặp định kiến giới trong lời nói của người khác, trong quảng cáo, trong lời bài hát, mình cũng làm việc này cùng con.
• Tăng cường các sách phản lại những định kiến giới thường gặp: Mình rất thích khi tìm thấy những cuốn sách như thế và mình sẽ mua về Tổ ngay lập tức như truyện Công chúa nhỏ tỉnh giấc lúc nửa đêm, Malala và cây bút diệu kì, Olivia và những nàng công chúa thiên thần, Cô bé thích đá bóng và cậu bé thích múa ba lê… Đó là về 1 công chúa không đợi hoàng tử đến đón mà tự mình đi tìm quái vật, đó là về 1 cô gái đạt giải Nobel hòa bình, đấu tranh cho quyền đến trường của bé gái, đó là về 1 cô gái không hiểu sao tất cả bọn con gái đều thích làm công chúa hồng huệ sến súa, tự tin đóng giả xác ướp và cướp biển…. Những sách này chưa nhiều lắm vì thật sự định kiến giới vẫn còn là vấn đề toàn cầu nhưng rất nhiều tác giả sách tranh đã nhận thức và khéo léo lồng nó trong sách, dù trực tiếp hay gián tiếp để cổ vũ những đứa trẻ tự tin làm những điều chúng muốn, không bị ảnh hưởng bởi định kiến giới. Điều này sẽ mở rộng những không gian cho đứa trẻ được tung bay, được sống là chính mình, hạnh phúc và tự tin hơn.
Chúng ta cũng góp phần không nhỏ vào hành trình xóa bỏ định kiến giới này phải không?