Đối với mình, việc dạy con về tiền bạc và tài chính cá nhân là việc dường như chưa từng có trong suy nghĩ. Vì công việc, đợt trước mình có tìm hiểu thì ở Mỹ có 1 chương trình hỗ trợ các bố mẹ dạy con về tiền bạc, tài chính cá nhân từ 3 tuổi, Unessco cũng có các tài liệu khá hoành tráng về vấn đề này. Trên thế giới cũng có nhiều chương trình, trung tâm dạy con trẻ về tiền bạc và tài chính cá nhân khá bài bản và uy tín.
Theo những gì mình đọc và hiểu thì lí do mà một số nơi dạy trẻ tư duy tiền bạc từ rất sớm là:
-Bất kỳ ai cũng cần học quản lý tài chính cá nhân.
-Trẻ đang trong quá trình hình thành thói quen về tài chính như chi tiêu, tiết kiệm nên việc hình thành một quan điểm, tư duy tài chính đúng đắn ngay từ đầu sẽ giúp trẻ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn khi trưởng thành, tránh được các sai lầm về tài chính cá nhân và mất ít thời gian, công sức, tiền bạc để học hỏi hay sửa chữa hơn.
-Việc hình thành tư duy tài chính cá nhân là vấn đề lâu dài, liên quan nhiều đến yếu tố gia đình và thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Từ đó, mình thấy một chủ đề rất hay ho và thách thức nên mình cũng đã tìm hiểu sâu hơn và mua các sách có liên quan để đọc. Tuy nhiên phải nói sách về chủ đề này rất ít cuốn hay và mình thực sự chưa ưng ý lắm nhưng đây là lộ trình dạy trẻ về tài chính cá nhân của Mỹ và một số sách mình thấy phù hợp theo từng đầu mục để bố mẹ có thể tham khảo:
1.Từ 3-5 tuổi
-Phân biệt tiền và mệnh giá tiền
-Những thứ cần tiền để mua và những thứ miễn phí (có những thứ miễn phí nhưng cực kì giá trị như chơi cùng bạn bè)
Sách phù hợp; Tiền có mua được tất cả?
– Mọi người làm việc để kiếm tiền và con cũng có thể kiếm tiền khi làm việc
Sách phù hợp: Tự kiếm tiền không khó
– Phân biệt món đồ mình muốn và món đồ mình cần
Sách phù hợp: Những câu hỏi triết học từ bé đến lớn
– Hiểu rằng đôi khi mình phải chờ đợi để mua được món đồ mình thích
Sách phù hợp: Tiết kiệm như thế nào?
Tiết kiệm tiền thật không đơn giản
2. 6-10 tuổi
-Tự quản lý một khoản tiền và quyết định chi tiêu thế nào (tiết kiệm, chi tiêu, chia sẻ)
– Khi mua hàng cần đi một vòng so sánh giá cả trước khi mua
Sách phù hợp; Mua hàng với giá hời
– Việc chia sẻ thông tin lên mạng có thể tốn tiền và nguy hiểm
-Tiền gửi vào tài khoản ngân hàng an toàn và sẽ có lãi
Một vài cuốn chung về nhiều vấn đề cho cả 2 độ tuổi:
-Thắc mắc nhỏ, ngỏ cùng em: Giàu và nghèo
-Tiền là gì? Tiền và bạn
-Biết tuốt về tiền bạc
-Thành công kí sự của Kira: Tiền đẻ ra tiền
Từ 10 tuổi trở lên nói thật là nội dung đến mình còn chưa hiểu hết nhưng trong tư duy của người Mỹ thì đây là những kiến thức mà bất kì ai cũng phải cần trang bị. Mình cũng chưa tìm hiểu về phần này nên chỉ biết một số đầu sau:
– Tài chính đầu đời – Nhã Nam
– How money works – Hiểu hết về Tiền bạc
– Bộ sách Học làm giàu (6 cuốn) bao gồm: Đồng tiền: Giàu và nghèo, Đồng tiền: Những bài học đầu tiên, Đồng tiền: Sức mạnh chi tiêu, Làm cho tiền của bạn sinh sôi, Nghề quản lý tiền, Lịch sử của tiền.
3.11-13 tuổi
-Nên tiết kiệm 1/10 số tiền mình kiếm được
-Đưa thông tin như số thẻ/ số tài khoản lên mạng có thể nguy hiểm vì người khác có thể đánh cắp tiền trong đó
-Con càng tiết kiệm sớm bao nhiêu thì càng nhiều tiền bấy nhiêu nhờ lãi suất cộng gộp
– Sử dụng thẻ tín dụng giống như đi vay: nếu đến hạn mà không trả sẽ bị tính lãi, phải trả số tiền nhiều hơn số tiền mình đã tiêu
4.14-18 tuổi
– Khi chọn trường đại học, cao đẳng cần cân nhắc đến học phí của trường
– Tránh sử dụng thẻ tín dụng để mua những thứ quá khả năng chi trả của mình
– Số tiền lương con nhận được thường sẽ thấp hơn thỏa thuận do bị trừ thuế
– Quỹ hưu cá nhân là một nơi rất tốt để đầu tư
5.>18 tuổi
– Chỉ nên sử dụng thẻ tín dụng nếu có thể trả được vào cuối tháng
– Cần mua bảo hiểm y tế
– Cần tiết kiệm một khoản tiền ít nhất bằng 3 tháng chi phí sinh hoạt để phòng rủi ro
– Khi đầu tư cần cân nhắc những nguy cơ và phí hàng năm