“Mỗi năm trên toàn cầu tự sát gây ra tử vong nhiều hơn toàn bộ các xung đột vũ trang, chiến tranh, diệt chủng và tội phạm gộp lại… Khả năng chúng ta chết vì chính mình cao hơn là khả năng ta chết bởi bàn tay người khác.”
Khi đọc những dòng này trong cuốn đại dương đen, mình nghĩ đến ngày trước, con trai của cô đồng nghiệp cùng cơ quan mình, một thằng bé đẹp trai, sinh viên một trường quốc tế nổi tiếng, từng đại diện phát biểu trong buổi lễ trung thu cho con em nhân viên ở cơ quan chồng mình rất tự tin, gia đình có điều kiện và êm ấm nhảy lầu tự tử. Đến bây giờ cả cơ quan chồng mình vẫn không biết lí do vì sao. Hay bao nhiêu vụ những đứa trẻ tự sát vì bị bắt nạt, vì bị người yêu bỏ, vì bị hiếp dâm…. khiến mình luôn trăn trở làm thế nào để con mình có thể vượt qua những trắc trở sau này trong cuộc đời nó. Con người ai cũng sẽ trải qua những khó khăn như thi trượt, chia tay người yêu, bị sa thải, không may mắn có thể là nạn nhân của cưỡng hiếp, tai nạn tàn tật…. Làm thế nào khi con mình gặp những sự cố đó, nó vẫn có thể sống tiếp thật mạnh mẽ và tích cực, vẫn nghĩ rằng cho dù có bất kì điều gì tồi tệ xảy ra, nó sẽ không bao giờ bỏ rơi chính bản thân mình, cho rằng mình và vô giá trị và không còn lối thoát mà tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn?
Mình tìm thấy lời giải trong cuốn sách này, nó giải thích lí do vì sao một con người lại bị trầm cảm. Tại sao cùng chia tay người yêu, có người rơi vào trầm cảm, có người không? Bởi vì “khả năng chịu đựng stress của mỗi người là một cái thùng. Người có khuynh hướng trầm cảm cao là người mà trong thùng đã có sẵn nhiều thân gỗ” như từng chứng kiến bạo lực gia đình, bị xâm hại, cha mẹ từng bị trầm cảm… Những sự kiện đã từng gây stress đến bản thân chúng ta, mặc dù sự kiện đó có thể đã trôi qua, mọi thứ có vẻ như đã trở về bình thường nhưng nó vẫn chiếm chỗ trong thùng khả năng chịu stress. Thế nên sau đó, có sự kiện gây áp lực mới, chỉ cần một cái đẩy nhẹ, cái thùng sẽ đầy và ta rơi vào trầm cảm. Nó chứng tỏ rằng không phải người yếu đuối hay kém cỏi mới bị trầm cảm mà nó là tổng hòa của những điều khác nhau mà người ngoài có thể không hề biết. Vì thế, “một đứa trẻ bị chấn động tâm lý lớn hay có tuổi thơ khắc nghiệt sẽ phát triển sự tổn thương khiến khi lớn lên nó dễ bị trầm cảm hơn khi gặp phải áp lực mới trong cuộc sống.”
Khoảng ⅓ mọi người sẽ gặp những trải nghiệm tồi tệ trong tuổi thơ, có người vượt qua được, có người không. Những người bị những trải nghiệm tồi tệ này kéo dài hoặc ảnh hưởng mạnh sẽ khiến hệ thống điều hòa cortisol của họ bị trục trặc, hồi hải mã trong não bộ bị tổn thương, khiến họ phản ứng thái quá trước những căng thẳng mới, nhầm tưởng rằng mình đang phải đối mặt với những nguy cơ cao.
Nhưng điều khiến mình bất ngờ nhất trong cuốn sách này là về “niềm tin sai lệch”. Những trải nghiệm tồi tệ trong tuổi thơ có thể khiến đứa trẻ có thể có niềm tin sai lệch hay còn gọi là những giản đồ gây trầm cảm hình thành. Chúng tồn tại sâu trong tiềm thức, mặc định thầm lặng mà người ta thường không ý thức được là có nó. Không phải người ta muốn suy nghĩ tiêu cực mà cái tiềm thức ấy tự động dẫn họ đến đó, họ không kiểm soát được. Một niềm tin sai lệch có thể nằm im cả hàng chục năm nhưng nếu có một yếu tố gợi nhớ đến niềm tin đó, nó sẽ kích hoạt và gây ra những suy nghĩ tiêu cực tự động.
Ví dụ, một đứa trẻ mà bố mẹ thường trách mắng khi điểm kém và chỉ khen khi điểm cao có thể hình thành niềm tin sai lệch rằng giá trị của mình phụ thuộc vào thành tích. Nếu họ vẫn luôn đạt điểm cao thì không sao, niềm tin đó vẫn nằm im. Nhưng khi họ gặp một thất bại nhỏ trong học tập, niềm tin này sẽ bị kích hoạt khiến họ thổi phồng thất bại ấy thành “mình là kẻ vô giá trị” và tự động dẫn tới những phản ứng trầm cảm. Đây là ý khiến mình giật mình bặn khoăn làm sao để con cái chúng ta không hình thành bất kì niềm tin sai lệch nào, không phủ định bản thân khi gặp trắc trở trong cuộc sống và rơi vào cái hố trầm cảm.
Khi trầm cảm đến một mức độ nào đó, người ta có thể tự hại bản thân mình và tự sát. Thật buồn làm sao khi người ta tấn công cơ thể mình vì để có thể sống tiếp, tự làm mình bị thương để có được sự chú ý từ người khác, để có thể an ủi là mình vẫn “bình thường”, còn có thể kiểm soát được bản thân mình, để hy vọng cứu rỗi tâm trí mình. Người ta tự sát là vì người ta muốn thoát khỏi sự giận dữ và đau đớn bên trong, họ tự sát không phải vì muốn chết mà vì họ muốn được chữa lành. Ngày trước mình vẫn thường chê bai khi có ai đó tự sát chỉ vì thất tình, thi trượt rằng “không nghĩ đến cha mẹ”, “suy nghĩ nông cạn, cuộc đời còn dài” nhưng khi đọc cuốn sách này, mình xấu hổ làm sao. Những người tự sát là những người mà năng lực nhận thức và khả năng giải quyết vấn đề của họ bị suy giảm, họ chỉ nhìn thấy và tập trung vào những thứ tiêu cực và phóng đại chúng lên, họ không thể nhìn thấy hoặc đầu óc họ tự động phớt lờ những thứ tích cực khác mà họ đang có. Vì thế, “quyết định tự sát không phải là quyết định của một đầu óc minh mẫn” mà là kết quả của quá trình thần kinh nhận thức của họ bị sai lệch, tổn thương và suy yếu.
Và điều đau đớn là, “sau mỗi lần trầm cảm, ngưỡng chịu đựng của người ta xuống thấp hơn và dễ rơi vào trầm cảm hơn ở những lần sau”, trầm cảm cực kì dễ tái phát và mỗi lần tái phát lại nặng hơn. Để nuôi dạy một đứa trẻ khỏe mạnh về tâm lý khó dễ hơn nhiều so với chữa lành một đứa trẻ tổn thương. “Nếu một cái xương gãy cần nhiều tuần để lành, thì một tâm trí tổn thương có thể cần nhiều năm để chữa lành”. Không như các bệnh thể chất có liệu trình chữa trị rõ ràng, chúng ta vẫn chưa hiểu biết nhiều về trầm cảm, các bác sĩ và nhà khoa học vẫn còn tranh cãi nhau về các liệu pháp chữa trị tinh thần. Quá trình chữa trị trầm cảm thường kéo dài, phức tạp, tốn kém và đôi khi rất mơ hồ, liệu pháp tâm lý này có thể phù hợp với người này nhưng chưa chắc phù hợp với người kia, các phương pháp chữa trị phụ thuộc nhiều vào con người và cả sự may mắn.
Các liệu pháp chữa trị trầm cảm được nhắc đến trong sách cũng khơi gợi cho mình rất nhiều điều về cách nói chuyện với con khi chúng buồn bã, tức giận hay gặp những thách thức, thất bại, trắc trở trong cuộc sống. Giống như cách mà các bác sĩ tâm lý bước vào được tâm hồn của những người trầm cảm, đó là sự thấu hiểu, đặt mình trong hoàn cảnh và suy nghĩ của con, trao đổi không mang tính phán xét, đặt những câu hỏi mở, bẻ gãy những niềm tin sai lệch, bộc lộ và đối diện với nỗi đau buồn của mình chứ không phải né tránh nó.
Nhưng thật may mắn, sau rất nhiều đau đớn, nghẹn ngào và cả lo sợ khi đọc cuốn sách này, cuối cùng mình thấy một con đường tươi sáng, rằng mình có rất nhiều thời gian và rất nhiều điều có thể làm để con mình sẽ lớn lên trở thành đứa trẻ khỏe mạnh về tâm lý, sẽ không bao giờ rơi vào cái hố trầm cảm.
“Não bộ của trẻ còn đang phát triển, khả năng và nguồn lực để ứng phó của chúng còn vô cùng hạn chế, và tuổi thơ là lúc cá nhân cần xây dựng cảm giác an toàn và sự tự tin để sau này có thể đối mặt với nghịch cảnh.”
“Tùy vào trải nghiệm tuổi thơ mà cá nhân lớn lên sẽ có một dạng thức gắn kết khác nhau với người quan trọng với mình. Nếu đứa trẻ được quan tâm, yêu thương được người chăm sóc cho một cảm giác an toàn, nó sẽ lớn lên với dạng thức gắn bó vững vàng, lành mạnh. Ngược lại, khi thiếu thốn tình cảm, đứa trẻ sau này sẽ thành người có kết nối mang tính né tránh, không thể hiện cảm xúc hay ngược lại, sợ hãi, bấu víu. Người thuộc nhóm sau có nguy cơ rủi ro rơ vào các rối loạn tâm lý cao hơn.”
“Stress vượt ngưỡng phá hủy một cá nhân, nhưng stress ở mức vừa phải tôi luyện khả năng đề kháng của người đó. Một tuổi thơ thuận lợi là một tuổi thơ mà đứa trẻ được hỗ trợ để xây dựng năng lực cảm xúc và có gắn kết vững vàng với người chăm sóc mình để có thể thích nghi với nghịch cảnh khi nó tới.”