CƯỜI NHẠO và ĐÙA VUI

 

Một người bạn của mình từng chia sẻ một trải nghiệm đã tạo nên bạn ấy của hiện tại là hồi nhỏ, lên bảng làm sai bài tập, bị cô giáo và các bạn cười nhạo. Bạn ấy chỉ muốn có thể biến mất, có một cái lỗ để chui xuống hay trốn đi đâu đó và không bao giờ gặp ai trên đời này nữa. Những ngày sau đó, bạn ấy cảm giác đi học bạn bè xung quanh vẫn nhìn bạn ấy như cười cợt chuyện hôm đó. Trải nghiệm này khá quen thuộc, chắc ai cũng từng gặp vài lần trong đời vì cười nhạo rất phổ biến. Bạn nhớ cảm giác xấu hổ, đau đớn, tủi thân lúc ấy và sau đó không? Bạn mình trở thành một giáo viên, vì bạn ấy muốn bớt đi một đứa trẻ bị cười nhạo như thế vì với bạn ấy đó là một trải nghiệm cực kì khủng khiếp, ám ảnh và huỷ diệt.

Từ đó mình bắt đầu để ý thấy, cười nhạo cực kì phổ biến và được chấp nhận rộng rãi trong đời sống, trong nghệ thuật, trong giáo dục. Hôm trước đi xem một buổi đại vũ kịch, có một phân cảnh các em nhỏ không đủ khoẻ để tranh đua với các anh chị lớn, những học sinh mê nhảy múa bị phạt hay một bạn ngủ quên bị cô giáo xách tai… Khán giả cười vui vẻ, nhưng mình không cười nổi. Trong video giáo dục giới tính “Willy đi đâu thế?” cũng có một cảnh các bạn vì Willy trả lời sai. Người xem thường cũng cười. Và vô số trong đời sống những câu chuyện cười, những show diễn hài đều sử dụng cười nhạo để mua vui.

Đối tượng bị cười nhạo thường là những người yếu thế, nhất là khi họ có khác biệt gì đó so với các bạn. Sự khác biệt thành kỳ quặc để bị cười nhạo. Trong một cuốn sách “Chiếc va li màu hồng”, chú bé bị cười nhạo vì mang va li màu hồng đi học. Hoặc chúng ta bị cười nhạo vì một sai lầm và làm sai lầm đó bị thổi phồng lên.

Trẻ em thường bị cười nhạo vì chưa có những kiến thức và khả năng suy luận như người lớn, cười nhạo mua vui cho người lớn trong các câu chuyện, như sờ chim trẻ, bảo là nhặt chúng từ bãi rác về, mẹ có em sẽ không yêu con nữa… Nhiều người không biết cách giao tiếp với trẻ con và cách duy nhất để giao tiếp chính là trêu chọc trẻ cho đến khi chúng bực bội và phản ứng lại, giống như việc ném đá vào những chú khỉ trong sở thú cho đến khi chúng di chuyển hoặc nhảy ra. Họ nghĩ rằng họ đang đùa vui với trẻ nhưng ranh giới từ đùa vui đến đùa ác rất gần và ranh giới giữa vui vẻ vì sự ngây thơ của trẻ đến cười nhạo vì sự chưa phát triển của trẻ rất mong manh. Họ cười nhưng trẻ không cười. Chúng bực bội. Chúng đau đớn. Chúng tổn thương. Chúng ám ảnh.

Trong các mức độ bắt nạt, bắt nạt bằng lời nói và bắt nạt ẩn danh trên mạng là hình thức bắt nạt ở cấp độ thấp nhất, phổ biến nhất, dễ dàng nhất và thường bị hiểu sai nhất. Bắt nạt bằng lời nói bao gồm sử dụng những từ ác ý, dán nhãn, cười nhạo, thường lặp đi lặp lại. Những đứa trẻ bị bắt nạt thường là những đứa trẻ có gì đó khác biệt, quá gầy, quá béo, là người mới, màu da khác… Khi bắt nạt bằng lời nói người bắt nạt thường biện minh “Chỉ đùa vui thôi đâu có đau đớn gì?”

Nhưng, bắt nạt, dù là bằng bất kì hình thức nào đều gây đau đớn. Những đứa trẻ bị bạn bắt nạt bằng lời nói sẽ hoang mang đặt câu hỏi về giá trị của bản thân: “Tại sao lại là mình?”. Phải chăng là mình thực sự xấu xí, kỳ quặc, ngớ ngẩn nên ai cũng cười nhạo? Kết quả là chúng tự ti, thu mình lại, thật sự trở nên thiếu kiến thức, kỳ lạ hơn như lời cười nhạo, như “lời tiên tri tự ứng nghiệm”. Cứ như thế, người cười nhạo lại càng nghĩ mình đã đúng, càng dễ dàng cười nhạo, định kiến và bắt nạt họ hơn, định kiến leo thang.

Không những thế, bắt nạt bằng lời nói là nền tảng cho bắt nạt ở mức độ cao hơn. Bắt nạt ít khi bắt đầu ngay lập tức bằng hành động đánh đập hay chửi mắng, thường bước đầu tiên là bằng lời nói rồi leo thang đến những hình thức bắt nạt ở cấp độ cao hơn như hạ nhục, chửi mắng, xa lánh, tẩy chay, đánh đập.

Ở bình diện xã hội, cười nhạo cũng là một phần của định kiến, là mức độ đầu tiên. Cười nhạo luôn ẩn chứa việc ghét bỏ và hạ thấp phẩm giá những người bị đem ra cười nhạo vì sự khác biệt hay những hành vi, sai lầm của họ. Việc cười nhạo dọn đường cho những dạng thức định kiến nặng nề hơn. Khi đã cho rằng một nhóm người là kỳ quặc, ngớ ngẩn vì sự khác biệt của họ, ta sẽ thấy họ thấp hơn chúng ta một bậc, vì thế việc xa lánh họ, bớt xén của họ, tấn công họ thậm chí là loại bỏ họ trở nên dễ dàng hơn, không khiến chúng ta bị áy náy.

Với con trẻ, cười nhạo gây những hậu quả và tổn thương nặng nề hơn vì trẻ đang trong quá trình hình thành ý thức về bản thân mình, chưa có đủ độ chín chắn và khả năng tâm lý đủ mạnh để đương đầu với những trò đùa ác ý. Những đứa trẻ bị cười nhạo vì những hành vi, sai lầm cực kì bình thường của trẻ con vì chúng vẫn đang trong quá trình học hỏi, phát triển sẽ tự ti về bản thân, có thể có xu hướng chán ghét hoặc tự hại chính bản thân mình, xã hội. Điều này cực kì bất lợi và nguy hiểm cho trẻ vì nhận thức này sẽ trở thành một phần con người trẻ, theo chúng lâu dài trong cuộc đời, gắn vào trong tiềm thức và chi phối các quyết định, lựa chọn trong tương lai của chúng một cách vô thức.

Chính vì thế, để thay đổi những điều này trong trẻ cực kì khó khăn, chúng ta chỉ thấy hành vi là trẻ ghét em, phá phách để gây sự chú ý của bố mẹ như một bằng chứng của tình yêu mà không hiểu nguyên nhân là vì những người lớn doạ “bố mẹ có em sẽ không yêu con nữa” nên chúng ta gắn mác cho trẻ là ích kỉ, độc ác. Và khi hiểu sai nguyên nhân, chúng ta cũng không tìm được cách giải quyết đúng đắn, vấn đề cứ ở lại đó mãi, có thể nghiêm trọng hơn là ghét tất cả những đứa trẻ khác, ghét bản thân mình.

Kể cả khi bóc được những tầng lớp phức tạp tâm lý trẻ để tìm được nguyên nhân, việc can thiệp cũng cực kì khó khăn vì những dấu ấn tâm lý bắt đầu từ tuổi ấu thơ rất sâu sắc và khó thay đổi. Trẻ có thể hiểu vấn đề nhưng những tiềm thức ở quá sâu chúng phải nỗ lực rất lâu, rất khó khăn để thay đổi mà có thể sẽ không bao giờ hoàn toàn thay đổi.

Những người bị cười nhạo thường dần hình thành một tâm lý tự ti, cho rằng mình thấp kém nên càng dễ dàng chấp nhận các hình thức bắt nạt cao hơn, định kiến sâu hơn, tự bản thân họ định kiến và dán nhãn chính mình, bắt nạt chính mình. Họ nghĩ rằng mình bị bắt nạt, định kiến là đúng, là bình thường, không phải vì những người kia sai lầm hay ác ý.

Những đứa trẻ bị ám ảnh rằng mẹ có em rồi không yêu mình nữa bằng lời nói trêu đùa trước đó và hành động của bố mẹ dần nghĩ mình không xứng đáng được yêu thương. Trong những mối quan hệ sau này trong cuộc đời, chúng có xu hướng hạ thấp mình, dễ dàng chấp nhận bị bạn bè người yêu không quan tâm, hời hợt, lợi dụng, đánh đập.

Cười nhạo có vẻ rất bình thường, rất vui nhưng hậu quả cực kì khủng khiếp và dai dẳng, nhất là với con trẻ. Giờ thì, lần sau chúng ta có nên cười nhạo người khác không? Có nên cười theo hoặc im lặng khi người khác bị cười nhạo không? Có nên chấp nhận những tác phẩm có yếu tố cười nhạo mua vui không?

Ảnh minh hoạ là một cuốn sách thiếu nhi cực kì phù hợp với bài viết 🙂

Bài viết liên quan

Định kiến giới ở trẻ

“Con trai mà nhát cáy, khóc cái gì!” “Con gái mà nghịch hơn con trai.” “Thôi mình con trai mình nhường con gái!” “Con trai

Về Tổ Líu Lo

Tổ Líu Lo là kênh thông tin về sách và đọc sách cho trẻ.

Những review và chia sẻ của chúng mình hi vọng sẽ hữu ích để bố mẹ có thể tìm thấy những cuốn sách phù hợp nhất, gợi ý  đọc sách hiệu quả và vui vẻ nhất để nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho bé.

Theo dõi Tổ

Nhận những bài viết mới nhất của Tổ gửi qua email hàng tuần

Chia sẻ bài viết này

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest