“Bí kíp” để con tự chơi vui

Có lẽ cái viễn cảnh có một đứa con tự chơi ngoan (chứ không phải là xem điện thoại, ipad) để bố mẹ nghỉ ngơi hay nói chuyện là mong mỏi của nhiều bố mẹ, nhất là trong giai đoạn nghỉ dịch như thế này. Vì đã làm được tương đối trên hành trình này, 2 năm bạn Vẹt ở nhà siêu bận rộn vui vẻ nên mình xin chia sẻ một vài kinh nghiệm của mình như sau:

 

1. Hạn chế thời gian xem điện thoại, ti vi, ipad

Đơn giản là để con không phải phụ thuộc vào cái gì đó để xem, để giải trí mà phải tự nghĩ ra cái gì đó để chơi, tự giải trí. Nhưng giống như kẹo, mình không cấm con hoàn toàn. Cấm thì càng thèm, càng tò mò. Mình chọn cách không cho con tiếp xúc với màn hình hoàn toàn trước 2 tuổi, thay vào đó là đọc sách thật nhiều. Khi con mê sách rồi, thì bắt đầu cho tiếp xúc với màn hình.

Tất nhiên là vẫn mê nhưng con sẽ được giải thích về tác hại nếu xem màn hình quá nhiều và có thời gian cho phép (tầm 30p/ ngày) xem những kênh chọn lọc (super simple songs, các phim khoa học về động vật, các vùng đất trên thế giới…..) Vì thế, dù vẫn mê mẩn mỗi lần được xem, Vẹt vẫn có thể dừng lại một cách vui vẻ nếu mẹ nhắc nhở.

2. Để cho con chán
Bài học lớn lao nhất mà mình nhận ra gần đây là nói ít thôi. Khi con kêu chán, trước đây mình thường thuyết phục, gợi ý hoạt động cho con, trò nào nó cũng lắc đầu. Mãi mình mới nhớ đến bài học là tôn trọng cảm xúc của con. Thế là Vẹt kêu chán, mình bảo ừ chán nhỉ, mẹ mà thế thì mẹ cũng chán, ước gì có cái này cái kia nhỉ. Thế là sau 2s kêu chán, mình thấy nó đã ngồi lôi mấy cái ô tô ra tự nghĩ chuyện đua xe các xe nói gì với nhau, hay mê mẩn với đống lego hay cuốn sách nào đó. Tóm lại là cứ kệ con kêu chán, chán thì phải tự nghĩ ra trò để chơi, mẹ chỉ cần công nhận cảm xúc của con là xong.

Và để đảm bảo con đủ thời gian chán để phải tự chơi (phát triển khả năng sáng tạo), ngoài thời gian gần như cả ngày mình đồng hành với Vẹt trong mọi hoạt động, mình sẽ ngủ trưa khoảng 1-2 tiếng, thời gian đó Vẹt tự tìm đồ mà chơi, mà làm, mà đọc, mình không gợi ý gì cả. Và thi thoảng đi chơi chả có kế hoạch gì, tự bạn thích bắt châu chấu, chuồn chuồn, ngắm ốc sên…. rồi nghĩ ra trò để chơi thôi.

3. Mua đồ chơi sáng tạo và tự chơi
Nhà mình rất ít đồ chơi nhưng đồ nào cũng chơi được lâu. Những món đồ chơi nên mua là:

– Các khối gỗ nhiều màu sắc, hình thù để xếp tháp

– Lego: chỉ nên mua bộ classic, không nên mua các bộ chủ đề chỉ chơi 1 lần, săn sale giảm 50% thì giá rất ổn, tầm 1 triệu là chơi được vài năm rồi

– Bộ đường ray tàu hỏa gỗ/ nhựa để xếp thành đường ray chơi: mình mua bộ gỗ, hơn triệu nhưng chơi 3 năm rồi chưa chán

– Mô hình con vật, người, nhân vật bằng nhựa để chơi đóng vai, tưởng tượng

– Ô tô gỗ nhỏ

Đó là mấy món đồ mà mình thấy chơi được lâu, lại cho trẻ cơ hội tưởng tượng, đóng vai, chơi được nhiều lần, nhiều cách khác nhau mãi không chán và sẽ dễ nghĩ ra trò để chơi lúc chán. Chứ mấy món đồ chơi phát nhạc, pin chạy… chỉ chơi vài lần là chán, không có cách chơi khác, lại chẳng sáng tạo được gì, ồn ào tốn xèng.

Và ghi chú thêm là một vài món đồ mình nhắc đến trong bài đã được di chuyển lên thư viện để các bạn nhỏ có thể chơi yên tĩnh nếu chưa sẵn sàng/ đọc sách đã mệt nha. Bố mẹ có thể ghé thư viện để tham khảo ạ.

4. Chuẩn bị hoạt động cho con

Mình từng gặp nhiều lần bố mẹ tụ tập, ăn uống, nói chuyện, để trẻ con yên lặng không làm phiền, mỗi bố mẹ đưa cho con một cái điện thoại. Thực ra nếu chỗ gặp nhau có không gian cho trẻ chơi với nhau, khám phá thì còn đỡ chứ nhà hàng, quán cà phê thì bọn trẻ đúng là không biết chơi gì lúc bố mẹ tám chuyện thật, hãy thử là trẻ con mà xem, bạn sẽ thấy nhàm chán chết đi được, không mè nheo, phá phách mới là lạ. Thế nên, để yên thân mỗi lần cần tám chuyện như thế, mình chọn luôn chuẩn bị vài món đồ cho con chơi. Những món yên tĩnh mà mình hay chuẩn bị là:

– Sách tìm đường mê cung: trò này thì Vẹt khá mê, các bạn trên 3 tuổi chơi được nhưng bố mẹ vẫn cần thi thoảng giúp con đọc yêu cầu và kiểm tra khi các bạn làm xong. Bộ sách tìm đường tuyệt nhất là mấy cuốn Mê cung phát triển tư duy, từ hình họa đến độ khó đều chuẩn cho bé từ 3, 4 tuổi trở lên.

– Sách hoạt động cho các bạn nhỏ: kiểu có cả tìm đường, tô màu, cắt dán…. như 2 cuốn Du lịch cùng bé và Vui chơi dưới mưa. Mình muốn tìm sách hoạt động kiểu này nữa mà chưa thấy có cuốn nào phù hợp.

– Tô màu: có cuốn tô màu sticker rất ổn hoặc là in tô màu theo số, theo chữ, cộng trừ đơn giản cho con cũng rất tiện mang đi

– Sách: mang theo vài cuốn Vẹt thích nhất, đã được đọc hiểu nội dung, có thể tự đọc là bạn có thể ngồi im tự đọc trong lúc mẹ bận rộn.

– Sách vẽ tranh: sách sẽ có hướng dẫn các bước đơn giản để vẽ một món đồ gì đó như tên lửa, ô tô…. rất phù hợp với các bạn hay kêu “không thích vẽ” hay “không biết vẽ” tí toáy thử nha.

-Sách tìm kiếm: Cái này các bạn có thể chơi một mình bằng cách nhìn ở hình bên cạnh những cái cần tìm làm đến bao giờ thấy thì thôi. Nếu có thêm bạn thì có thể đố nhau những cái khác nữa rất vui cho các bạn nhỏ tự chơi.

– Đồ chơi lắp ghép: mình mua cho Vẹt cái bộ kĩ thuật lớp 5 của học sinh ấy, một hộp bé thôi, dễ mang đi, tha hồ sáng tạo mày mò lắp ghép, có khi cả tiếng luôn.

– Xếp hình: Có nhiều bộ để chọn từ 2 miếng đến cả trăm miếng, độ khó tùy vào tuổi và khả năng kiên nhẫn của bé, mình hay mua bộ bằng gỗ, giá cũng rẻ.Nhà mình cũng có một hộp đồ chơi 9 khối gỗ, mỗi khối 6 mặt là các mảnh ghép của các động vật khác nhau, các bạn có thể ghép 9 khối gỗ đó thành 6 loại động vật khác nhau.

– Bộ đồ chơi Đố trí thông minh Puzzila: Vẹt mê trò này kinh khủng, có khi nó chơi được mấy tiếng liền. Điều quan trọng nhất mình thấy là rèn sự kiên nhẫn, cách này không được thì thử cách khác. Chứ mình chả quan tâm lắm đến cái tác dụng nâng cao trí thông minh này nọ. Có bài Vẹt phải mất 2 ngày mới giải được, sáng mở mắt ra đã ngồi giải thử rồi mới đánh răng ăn sáng, đến lúc giải được mẹ khen siêu thế, bạn bảo: “Con chả siêu gì đâu mẹ ạ, con cứ thử kiểu này không được thì kiểu khác, rồi nó được thôi”

 

Ngoài ra mình cũng thu thập các file hoạt động trên mạng cho các bạn nhỏ, từ nguồn miễn phí đến mất tiền đến hàng nghìn file rồi in mang đi một ít cho con làm lúc mẹ bận. Mình để file đó ở nhà các bạn nhỏ sang chơi cũng thích lấy ra tự làm lắm.

 

Đó, sơ sơ thấy có bao nhiêu hoạt động yên tĩnh, tập trung cho mấy bạn nhỏ làm, có khi phải vài tiếng cho bố mẹ tập trung ấy chứ.

Bài viết liên quan

Định kiến giới ở trẻ

“Con trai mà nhát cáy, khóc cái gì!” “Con gái mà nghịch hơn con trai.” “Thôi mình con trai mình nhường con gái!” “Con trai

Về Tổ Líu Lo

Tổ Líu Lo là kênh thông tin về sách và đọc sách cho trẻ.

Những review và chia sẻ của chúng mình hi vọng sẽ hữu ích để bố mẹ có thể tìm thấy những cuốn sách phù hợp nhất, gợi ý  đọc sách hiệu quả và vui vẻ nhất để nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho bé.

Theo dõi Tổ

Nhận những bài viết mới nhất của Tổ gửi qua email hàng tuần

Chia sẻ bài viết này

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest