Làm sao để nuôi dưỡng những đứa trẻ có khả năng tập trung cao?

Hôm trước có một giáo viên hỏi mình có thấy 1 bạn nhỏ khả năng tập trung kém không? Mình bảo không, bạn ấy tham gia dự án của mình và khả năng tập trung tốt.

 

Mình chợt nhớ đến bản đánh giá của bạn Vẹt khi thi tuyển vào lớp 1 của trường có câu “khả năng tập trung không cao”. Mình hiểu con mình và mình biết một đứa trẻ có thể ngồi 3 tiếng đồng hồ để giải một bộ xếp hình không thể có khả năng tập trung kém được nhưng có vẻ có nhiều hiểu lầm về khả năng tập trung ở trẻ.

 

Mình có tìm hiểu thì có những ý sau mình muốn chia sẻ:

 

1.Trẻ con luôn tò mò và say mê khám phá thế giới quanh chúng. Một đứa trẻ bình thường là một đứa trẻ sẽ đi từ góc này sang góc kia, khám phá hết cái này đến cái kia, tất cả những thứ gì thú vị và thu hút chúng. Trẻ em luôn tập trung, nhưng tập trung vào cái chúng thích, có thể đó là chú chim ngoài cửa sổ chứ không phải là bài học của cô giáo. Nếu quan sát trẻ, bạn sẽ thấy có thể chúng sẽ ngồi được cả chục phút chỉ để quan sát một đàn kiến hoặc đổ nước từ cốc này sang cốc kia, những hoạt động mà thường người lớn cho là vô ích vài không hề ghi nhận đó là khả năng tập trung của trẻ.

 

2. Trẻ ở độ tuổi dưới 5 thời gian tập trung cho 1 hoạt động chỉ khoảng 5-20 phút, thường là khoảng 5-10 phút. Chúng sẽ tập trung tốt hơn với những hoạt động đơn giản, phù hợp và được hướng dẫn từng bước một rõ ràng. Bắt một đứa trẻ 4 tuổi làm một hoạt động ngồi yên trong 30 phút và tập trung là điều bất khả thi và không bình thường. Sau 4-5 tuổi là giai đoạn có sự nhảy vọt về thời gian tập trung, trẻ đã có thể ngồi lâu hơn cho một hoạt động.

Tuy nhiên, có nhiều thứ sẽ làm giảm khả năng tập trung của trẻ như:

• Thiếu ngủ

• Chế độ ăn nhiều đường

• Sinh hoạt không có “routine” – lịch trình

• Xem thiết bị điện tử quá nhiều, đặc biệt là trước khi đi ngủ

• Có những vấn đề trong gia đình (như bố mẹ li hôn….) hoặc dùng thuốc đặc biệt

 

Vậy thì có những các nào để tăng thời gian tập trung của trẻ hơn:

1) Đảm bảo trẻ ngủ sớm và ngủ đủ khoảng 11-12 tiếng/ ngày với trẻ 2-6 tuổi

2) Hạn chế đường trong chế độ ăn của trẻ

3) Đảm bảo một lịch trình sinh hoạt tương đối và không xáo trộn quá nhiều

4) Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử dưới 1 tiếng/ ngày và tuyệt đối không xem thiết bị điện tử trong 1 tiếng trước khi ngủ

5) Chọn những hoạt động trẻ yêu thích và hướng dẫn đơn giản, rõ ràng TỪNG BƯỚC MỘT. Với những hoạt động dài nên chia nhỏ ra và có thời gian giải lao sau từng phần.

6) Cho trẻ có đủ thời gian tự do để chọn hoạt động chúng yêu thích và không cắt ngang khi trẻ đang làm việc. Mình từng có thời làm ở trường mầm non Montessori thì một điểm của phương pháp này mình thấy rất đúng và hay là cho trẻ khoảng thời gian dài từ 2.5-3 tiếng để tự chọn hoạt động yêu thích và không cắt ngang trẻ trong quá trình chúng tập trung. Ở nhà bố mẹ cũng có thể cho con những khoảng thời gian tự do, buồn chán để con tự chơi và tự tiêu khiển. Khi được tập trung đủ lâu với hoạt động chúng yêu thích, khả năng tập trung của trẻ cũng sẽ tự nhiên tăng lên.

7) Hạn chế những yếu tố có thể gây xao nhãng như tiếng ti vi, điện thoại, tiếng nhạc ồn ào, nhiều hình vẽ trên tường… Một điều mình không hề thích ở các khu vui chơi là luôn mở nhạc ồn ào, tường vẽ chi chít khiến trẻ không thể chơi tập trung được. Chơi cũng cần tập trung vì chơi chính là học.

8) Tạo một môi trường yên tĩnh, sạch sẽ, gọn gàng để trẻ hoạt động. Một điều hay nữa trong phương pháp Montessori mà mình thấy là luôn giữ môi trường sạch sẽ và gọn gàng. Montessori tin rằng trẻ yêu thích trật tự và một môi trường trật tự sẽ khiến chúng có thể làm chủ, tự làm, tự dọn. Mình cũng tin là một đứa trẻ có góc đồ chơi ít món nhưng phân loại từng món sẽ chơi tập trung được hơn là một đứa trẻ có một thùng đủ các loại đồ chơi lẫn lộn khiến chúng xao nhãn từ món này sang món khác và không thể chơi tập trung.

9) Giới thiệu và cho trẻ làm quen với những hoạt động có thể tăng thời gian và khả năng tập trung như lego, các khối gỗ/ đường ray để xây thành phố, xếp hình, trò chơi ghi nhớ (memory-game), đọc sách…

10) Giúp con kĩ năng nhận biết và quản lí cảm xúc. Một đứa trẻ vui vẻ sẽ tập trung tốt hơn là một đứa trẻ cáu kỉnh, buồn bã, tức giận. Bạn có thể hướng dẫn cọn nói ra cảm xúc của mình và hiểu rõ “cảm xúc luôn được chấp nhận chỉ có một số hành động khi có cảm xúc mới không được chấp nhận” như đánh người khác, phá đồ đạc… Bạn có thể hướng dẫn con cách giải tỏa cảm xúc lành mạnh như nói ra cảm xúc và suy nghĩ, hét lên, đấm gối….

Đây là một bài chia sẻ và viết vội của mình, hi vọng có thể được thảo luận thêm cùng mọi người.

Bài viết liên quan

Định kiến giới ở trẻ

“Con trai mà nhát cáy, khóc cái gì!” “Con gái mà nghịch hơn con trai.” “Thôi mình con trai mình nhường con gái!” “Con trai

Về Tổ Líu Lo

Tổ Líu Lo là kênh thông tin về sách và đọc sách cho trẻ.

Những review và chia sẻ của chúng mình hi vọng sẽ hữu ích để bố mẹ có thể tìm thấy những cuốn sách phù hợp nhất, gợi ý  đọc sách hiệu quả và vui vẻ nhất để nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho bé.

Theo dõi Tổ

Nhận những bài viết mới nhất của Tổ gửi qua email hàng tuần

Chia sẻ bài viết này

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest